Ăn Chay Sao Cholesterol Vẫn Cao

ĂN CHAY SAO CHOLESTEROL MÁU VẪN TĂNG?

Bs. Trần Văn Năm

Các nhà Khoa học đã cảnh báo tình trạng rối loạn chuyển hóa chất mỡ – đường trong máu là tiền đề của các bệnh nguy hiểm như: Tai biến mạch máu não, Nhồi máu cơ tim, Tiểu đường, Tăng huyết áp, Thừa cân – Béo phì, Gan nhiễm mỡ, Bệnh thận mạn tính, bệnh ung bướu…

(H. minh họa, cholesterol gây hẹp động mạch)

Do đó, hiện nay nhiều người thực hiện cách ăn Thuần Chay (Vegan: chỉ ăn thực vật, không trứng, không sữa và sản phẩm từ sữa) hay Ăn Chay (Vegetarian: ăn thực vật và trứng, sữa, sản phẩm từ sữa). Dù vậy, trong nhóm người ăn chay hoặc thuần chay vẫn tăng Cholesterol xấu và đường trong máu, thậm chí đã và đang mắc bệnh Xơ mỡ động mạch và Đái tháo đường. Dưới đây là các nguyên nhân của tăng mỡ và đường trong máu, thường bị lãng quên:

  1. Nguyên nhân:
  • Căng thẳng tâm – thể kéo dài hay Stress: do công việc, cuộc sống, đặc biệt mùa Dịch Covid – 19 (thất nghiệp, tiếng còi xe cứu thương inh ỏi suốt ngày, sợ không biết ngày nào vào khu cách ly…) gây tăng phản ứng viêm (low level inflammation), tăng chất Adrenalin, Cortisol…trong máu. Theo thời gian, các chất trên ảnh hưởng đến chức năng Gan nên không chuyển hóa được chất lipid và hậu quả là Cholesterol và Triglyceride máu.

(H. minh họa: chạy đua vói thời gian)

  • Ít vận động: ngồi nhiều hơn đi lại, giãn cách xã hội, cách ly trong nhà (không đến được phòng tập, công viên) hay do công việc phải ngồi nhiều, dẫn đến thừa năng lượng dễ tăng cân, tăng dự trữ mỡ, tăng cholesterol xấu, giảm cholesterol có lợi (thiếu vận động cơ thể sẽ thiếu enzyme chuyển hóa LDL-c thành dạng HDL-c trong máu); giảm nhu động ruột nên táo bón, gây tích lũy độc tố và giảm lợi khuẩn nên rối loạn chuyển hóa chất mỡ.
  • Cách chọn hoặc chế biến thức ăn chưa đúng:
    • Ăn nhiều chất bột đường (cơm trắng, mì, nui, hủ tiếu, bánh bèo, bánh mì trắng, bánh hỏi, bánh bao…), sử dụng nhiều đường trắng (cả đường Phèn), chè (chè đậu, chè hạt Sen, chè trôi nước), nước ngọt. Ăn quá nhiều thức ăn chế biến sẵn: bánh ngọt, kẹo, khoai tây chiên, ba tê (pate) chay, chả chay, bột nêm chay,…

(chè nước cốt dừa, minh họa)

    • Nhiều dầu và đun quá sôi và/hoặc sử dụng lại nhiều lần: dầu sẽ biến thành loại chất béo chuyển dạng (trans – fat) gây tổn hại tế bào, tăng gốc tự do, ảnh hưởng xấu đến mạch máu, gan, thận…

(Dầu chuyển dạng, H.minh họa)

    • Rau nấu chín nhừ, mềm nhũn, đổi màu: sẽ mất hết các vitamin, hỏng các men (enzyme), hủy hoại các chất antioxidant có trong rau tươi…
  • Thói quen uống cà phê chế biến sẵn (unfiltered coffee): như cà phê 3 trong 1, nhiều lần trong ngày, vì loại cà phê này chứa nhiều chất béo, có chất tạo hương (Diterpene), đường và chất bảo quản…gây tăng phản ứng viêm, rối loạn mỡ – đường trong máu.
  • Một số thuốc điều trị bệnh: corticoid, kháng virus, chống động kinh, thuốc lợi tiểu, thuốc hạ áp (β-blocker), ngay cả thuốc ngừa thai,…có thể gây tăng lipid máu và ngưng thuốc hay thay thuốc khác, mỡ máu sẽ ổn định lại.
  • Một số bệnh lý mắc phải: Đái tháo đường, suy tuyến giáp, thận hư nhiễm mỡ, Gan nhiễm mỡ, viêm gan mạn tính (do virus, rượu bia, do thuốc hại gan)…sẽ tổn thương chức năng chuyển hóa chất béo của gan. Cần phát hiện để điều trị kịp thời.
  1. Lời khuyên:

Hãy giữ nguyên tắc: mỗi bữa nên ăn trái cây và rau tươi (sạch) các loại trước khi ăn bữa ăn chính khoảng 20 – 30 phút. Các loại rau – trái dưới đây được các chuyên gia dinh dưỡng khuyên dùng hỗ trợ phòng và trị rối loạn mỡ trong máu:

  • Tỏi, Cà tím, Hành tây, Dưa leo, Đậu bắp, Cải mầm, Măng tây, Ớt chuông, cải Xoong, Khổ qua, Cà rốt, Bông cải, Rau má, Tảo xoắn, Chùm ngây, các loại đậu…

(h. minh họa)

  • Trái cây nhóm cam, quít, bưởi, chuối, táo, Nho, mãng cầu xiêm, Ổi, Sơ ri…

(H. minh họa)

  • Bổ sung lợi khuẩn từ thức ăn lên men truyền thống nhưng chế biến khoa học (Yogurt, kim chi, Natto…), giúp tăng sức khỏe đường ruột, hấp thu dưỡng chất và loại bỏ độc chất.
  • Thường xuyên tập thể dục: thư giãn, tĩnh tâm, thở sâu, Dưỡng sinh, Yoga, đi bộ…
  • Thảo dược: nấm Linh chi, nấm Mèo đen, Đinh lăng, Hà thủ ô, Bụp giấm, Dây Thìa canh, Hoa hòe, Lá Sen, Nghệ…dùng nấu uống hay dạng bào chế sẵn (cần tham khảo thêm ý kiến thầy thuốc).

Cách ăn chay hay thuần chay rất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, cần lưu ý trong cách chọn và chế biến khoa học để không gây mất dưỡng chất và dược chất có trong thức ăn. Nên ăn thực phẩm đa dạng đủ đạm, dầu, tinh bột, vitamin, sinh chất thực vật (phytochemical), khoáng và nguyên tố vi lượng sẽ giúp cho tế bào và các cơ quan trong cơ thể hoạt động hiệu quả nhất.