Bác ba Hưởng – người thầy và đồng nghiệp

NHỮNG BÀI HỌC QUÍ GIÁ CHO NGÀNH Y DƯỢC CỔ TRUYỀN
TỪ TƯ DUY VÀ LỐI SỐNG CHUẨN MỰC CỦA BS NGUYỄN VĂN HƯỞNG

Bs Trần Văn Năm*, Bs Huỳnh Uyển Liên**

1. SỐNG ĐẠO ĐỨC:

Bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng, người mà chúng tôi có cơ duyên làm việc từ năm 1977, và chúng tôi quen gọi là Bác Ba Hưởng. Trong các buổi giao ban, học tập chuyên môn, Bác luôn nhắc nhở sống cần có đạo đức, làm việc gì cũng cần coi trọng đạo đức, đạo đức luôn là kim chỉ nam trong suy nghĩ và hành vi của người làm thuốc.

Giữ gìn đạo đức tốt trong mối quan hệ với mọi người: đồng nghiệp, người bệnh, cấp trên và cấp dưới;

Đạo đức là quy tắc sinh hoạt chung trong xã hội và là hành vi của con người, quy định nghĩa vụ của người này đối với người khác và đối với xã hội;

Người sống vi phạm đạo đức sẽ ảnh hưởng xấu đến bản thân, gia đình và mọi người chung quanh;

Sống có đạo đức mới đem lại cho con người một trạng thái tinh thần bình an, yên vui, lạc quan và chắc chắn có được sức khoẻ tốt và có điều kiện cống hiến cho xã hội;

Cần lưu ý “lời nói dưỡng sinh”:

Lời nói có thể là một vị thuốc bổ gây sự phấn chấn cho người khác; một liều thuốc an thần giúp giảm lo âu, căng thẳng; một ly nước cam tươi làm mát dịu cả người; một bàn tay dịu hiền vuốt ve thân ái; ánh đèn pha giúp soi sáng mọi nẻo đường và đẩy lùi bóng tối.

Ngược lại, lời nói cũng có thể là cây kim châm làm đau nhói con tim; cái búa – lưỡi dao đâm vào não người nghe; một đám khói đen ngòm che khuất tầm nhìn nên khó tìm ra lối đi…cho nên người tập luyện dưỡng sinh cần có “lời nói dưỡng sinh”. Bác Hưởng nhắc:

“Cũng thời lời nói phát ra,
Lời tạo phấn khởi, lời xa lòng người”.


2. TẬP LUYỆN DƯỠNG SINH LÀ BIỆN PHÁP NỀN TẢNG ĐỂ DUY TRÌ SỨC KHOẺ VÀ ĐIỀU TRỊ CÁC BỆNH MẠN TÍNH KHÔNG LÂY:

Từ tháng 3 năm 1977, Khoa Dưỡng sinh thuộc Viện Y Dược Học Dân Tộc (Viện YDHDT) Tp. Hồ Chí Minh được thành lập nhằm triển khai một phương pháp điều trị bằng tập luyện. Qua kinh nghiệm bản thân sau 2 lần bị tai biến mạch máu não nặng, Bs Nguyễn Văn Hưởng đã tìm tòi đúc kết thành một phương pháp điều trị không dùng thuốc được giảng dạy trong các trường y khoa và nhiều đồng nghiệp đã áp dụng trị bệnh đạt hiệu quả cao đó là Phương pháp Dưỡng sinh do Bác Hưởng biên soạn với nội dung như sau:

Bác luôn nói: trị bệnh phải trị cả phần “tâm” lẫn “thể” (tinh thần và  thân thể):

Tập thư giãn: giúp giải toả stress, làm mạnh quá trình ức chế chủ động của hệ thần kinh, bù lại năng lượng cho tế bào sau những giờ làm việc kéo dài, kiểm soát được cảm xúc; Bác Hưởng thường nhắc để sống khoẻ cần “một tinh thần minh mẫn trong một cơ thể khoẻ mạnh”;

Tập thở sâu với 4 thời: thúc đẩy tuần hoàn máu cho các cơ quan nội tạng, giảm gánh nặng của quả tim, hoàn chỉnh trao đổi khí tại phổi, lập lại cân bằng giữa hai quá trình hưng phấn và ức chế;

Tự xoa bóp và day ấn huyệt: tăng nuôi dưỡng hệ thống da – cơ – xương – khớp, thoáng lỗ chân lông, êm dịu thần kinh, tăng cường chức năng hệ miễn dịch;

Các động tác tập toàn thân ở các tư thế nằm, ngồi, đứng: nhằm giúp tăng nuôi dưỡng, tăng trương lực cơ – dây chằng, giữ được sự dẻo dai và duy trì biên độ hoạt động của các khớp – cột sống giúp chống xơ cứng… phòng và trị các bệnh thoái hoá, thừa cân, loãng xương, gù vẹo hay biến dạng khớp – cột sống;

Thái độ tư duy tích cực: hạn chế ý nghĩ bi quan, tiêu cực sẽ giúp chiến thắng được bệnh tật;

Ăn uống đủ chất: không quá thiếu, không dư thừa, ăn phù hợp với tuổi tác và tình trạng bệnh, sử dụng hợp lý chất kích thích (trà, cà phê), nói không với thuốc lá.

3. SỐNG CÀNG ÍT LỆ THUỘC THUỐC TRỊ BỆNH CÀNG TỐT:

Cùng quan điểm với Bác Hưởng, Bác sĩ H.MAHLER (Tổ chức y tế thế giới) ra lời kêu gọi: Hãy dùng càng ít thuốc càng hay”.

Bác Hưởng thường khuyên người bệnh: Nhà máy sản xuất thuốc tốt nhất chính là cơ thể của mình, hạn chế lệ thuộc thuốc từ ngoài vào bằng cách: quyết tâm tập luyện kiên trì, liên tục, vận dụng vào mỗi người cần chính xác, biện chứng và có sáng tạo để tăng cường sức đề kháng và khả năng thích nghi với những biến đổi khắc nghiệt của môi trường sống chung quanh.

Để chữa bệnh, người bệnh cần đóng vai trò tích cực chớ không thụ động chỉ phụ thuộc vào thầy và thuốc.

4. LÀM VIỆC KHOA HỌC, CẦU TIẾN, KHÔNG BẰNG LÒNG VỚI KIẾN THỨC HIỆN CÓ VÀ CẦN Y HỌC CHỨNG CỨ:

Thở 4 thời mở thanh quản khác với đóng thanh quản ra sao? Tại sao mở thanh quản là có lợi? Bác sĩ Hưởng yêu cầu chứng minh, và vì thế đề tài nghiên cứu khoa học phải thực hiện: “Phân tích sự khác biệt về thành phần khí thở ra của hai cách thở: đóng và mở thanh quản”;

Phương pháp Thở 4 thời.
Tập luyện thư giãn có lợi như thế nào và khác với trạng thái ngủ ra sao? Cần đề tài nghiên cứu khoa học: “Khảo sát sự thay đổi điện não đồ trước, trong và sau khi tập thư giản”; từ đó có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học được thực hiện nhằm giải thích cơ chế và khẳng định hiệu quả của  phương pháp tập dưỡng sinh.

5. KIÊN TRÌ TƯ TƯỞNG NAM DƯỢC TRỊ NAM NHÂN:

Với tinh thần tự lực cánh sinh, không muốn hoàn toàn lệ thuộc vào thuốc có xuất xứ ngoại nhập. Bác Hưởng đã dày công sưu tầm, học hỏi để chọn lọc rất nhiều bài thuốc Nam quý có giá trị thực tiễn trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ người dân. Do đó, tập sách “Toa thuốc đông y cổ truyền Việt Nam Nam”, xuất bản năm 2010  ra đời với các bài thuốc trị bệnh hệ hô hấp, hệ tiêu hoá, hệ tim mạch, tiết niệu, thần kinh, vận động, thuốc bổ dưỡng, nhi khoa, phụ khoa, nam khoa, ngũ quan, bệnh ngoài da… gồm 663 trang.

Thay cho lời kết:

Nhờ cơ duyên được làm học trò và đồng nghiệp của Bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng,  Chúng tôi nhớ mãi những bài học quý giá trên, cũng như luôn thực hành theo tinh thần DƯỠNG SINH:

“Thông tắc bất thống,
Thống tắc bất thông”




“Giữ tinh, dưỡng khí, tồn thần
Thanh tâm, hoả dục, thủ chân luyện hình”

Đó là kim chỉ nam của của mọi người thầy thuốc, nhất là thầy thuốc Y dược cổ truyền Việt Nam.

**Nguyên Trưởng khoa, Cố vấn chuyên môn khoa Dưỡng sinh, Viện YDHDT
*Nguyên Phó Viện trưởng điều hành Viện YDHDT.

Nguyễn Văn Hưởng (1906-1998) là Giáo sư, Bác sĩ vi trùng học và Đông y, cố Bộ trưởng Bộ Y tế. Ông là tác giả của các công trình: Toa căn bản, Kháng sinh thảo mộc, Phương pháp dưỡng sinh (từ 1954). Ông mất vào ngày 4 tháng 8 năm 1998, thọ 93 tuổi. Ngay khi trước khi mất, tên ông đã được đặt cho một học bổng trong lĩnh vực y tế của báo Sài Gòn giải phóng mang tên Học bổng Nguyễn Văn Hưởng.