CHĂM SÓC BỆNH ĐƯỜNG HÔ HẤP VÀO MÙA LẠNH (Phần 1)
Không khí lạnh – ẩm vào những ngày cuối năm, thường tăng tỉ lệ bệnh đường hô hấp trong đó có bệnh Hen (Hen phế quản) gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc học (trẻ nhỏ), ngày công lao động (người lớn) và kinh tế gia đình. Hen phế quản (HPQ) là một bệnh của cơ quan hô hấp do viêm gây phù nề, tiết dịch và co thắt cơ của phế quản hậu quả là khó hít vào cũng như thở ra.
Cơ chế bệnh do những tế bào miễn dịch tạo ra phản ứng viêm. Bên cạnh khó thở thường kèm theo ho, cảm giác thắt chặt lồng ngực, tiếng thở rít, không thể nằm được. Cơn khó thở thường xảy ra ban đêm hoặc 3 – 5 giờ sáng.
Nguyên nhân bệnh của bệnh Hen:
Mặc dù nguyên nhân chính xác của bệnh hen đến nay chưa hoàn toàn biết hết. Tuy nhiên, có nhiều yếu tố góp phần khởi phát hen đã được biết rõ:
- Di truyền: tiền sử nhiều người cùng huyết thống mắc bệnh hen hoặc bệnh liên quan dị ứng,
- Quá mẫn: tình trạng mà hệ thống miễn dịch của cơ thể quá nhạy cảm khi tiếp với tác nhân dị ứng (allergen, antigen),
- Khó thở khi bị nhiễm virus – vi khuẩn: trẻ sơ sinh và trẻ em cảm nhiễm virus (ho, chảy-nghẹt mũi, đau họng, sốt) sau đó phát triển chứng Hen và kéo dài suốt thời kỳ tuổi trẻ.
- Môi trường ô nhiễm: bụi gỗ, chất nhựa, kim loại, nấm men…
- Cơ địa hen (hen nội tại, intrinsic asthma), thường gặp ở người lớn và bệnh không liên quan với dị ứng. Hiện nay, nguyên nhân của hen nội tại chưa được biết nhưng ở người bị bệnh thường đồng thời xuất hiện viêm xoang, nhạy cảm với aspirin và hoặc kháng viêm không steroid (NSAIDs), hay polyp ở mũi.
- Gắng sức (hoặc tập thể dục quá sức, stress),
- Thay đổi môi trường, khí hậu từ nóng sang lạnh hoặc ngược lại,
- Rối loạn cảm xúc: quá vui mừng, hoặc lo lắng thái quá.
Thuốc tân dược thường sử dụng:
Phải được bác sĩ chỉ định: Corticosteroid dạng uống hoặc xịt, thuốc kháng thụ thể leukotriene uống (tác dụng vừa giãn phế quản vừa kháng viêm), thuốc kích thích bêta tác dụng kéo dài, thuốc chống dị ứng,…
Phòng bệnh:
- Kiểm soát stress (thư giãn, thiền định), giữ ấm không tiếp xúc với lạnh đột ngột, tránh tiếp xúc với yếu tố dị ứng: bụi nhà, lông thú nuôi, phấn hoa, uống thuốc có khả năng gây dị ứng (aspirin, NSAIDs, kháng sinh…) cần hỏi ý kiến của thầy thuốc.
- Không sử dụng một số thuốc tim mạch có thể gây nặng cơn hen (như thuốc ức chế kênh bêta: propranolol, bisoprolol, atenolol…).
- Phát hiện và điều trị hội chứng trào ngược dạ dày thực quản: có đến 70% người bị hen kèm hội chứng này, gây khó kiểm soát bệnh hen. Đôi khi bị trào ngược dạ dày thực quản lại không có triệu chứng ợ nóng nên cần tham khảo ý kiến thầy thuốc. Kiểm soát hội chứng trào ngược bằng thuốc và nên giảm cân (nếu bị béo phì), không ăn no trước khi ngủ, hạn chế trà đậm, cà phê, rượu, nên ăn thành nhiều bữa nhỏ (Đọc thêm Bài Đông y điều trị chứng trào ngược dạ dày thực quản, đã đăng trước).
- Kiểm soát cân nặng, tránh thừa cân – béo phì, béo phì sẽ hạn chế hoạt động của cơ hoành do đó giảm thông khí của phổi.