CÓ BẮT BUỘC PHẢI UỐNG THUỐC HẠ HUYẾT ÁP SUỐT ĐỜI KHÔNG?
Bs Trần Văn Năm
Bệnh Tăng huyết áp (THA nguyên phát), để phân biệt với Chứng THA (còn gọi là THA thứ phát), chiếm hơn 90% số người Tăng huyết áp. Trong bài viết này chỉ bàn đến Bệnh THA. Thật không may, khi đo huyết áp có chỉ số đo cao hơn người bình thường cùng độ tuổi, đặc biệt đáng lo ở những người còn khá trẻ. Nhiều người vẫn đang đau đầu với câu hỏi: “Liệu Bệnh THA có phải uống thuốc suốt đời hay không”?
Xin trả lời ngay: nếu chữa trị THA chỉ dựa vào thuốc, chắc chắn sẽ phải uống thuốc suốt suốt đời, thậm chí phải uống nhiều loại thuốc hạ áp cúng một lúc.
Gọi là huyết áp cao hay THA khi đo huyết áp ở cánh tay đúng quy cách và ghi nhận chỉ số huyết áp bằng hay cao hơn 140 / 90 mmHg.
(Hình minh họa)
Chúng ta cùng tìm hiểu các yếu tố gây THA, cơ chế tác dụng của thuốc trị tăng huyết áp và nên làm gì để không phải uống thuốc suốt đời.
- Những yếu tố gây tăng huyết áp:
Huyết áp tăng cao khi có những yếu tố nguy cơ dưới đây, gồm 4 tăng và 2 giảm:
- Tăng áp lực của máu trên thành mạch và ngược lại hoặc cả hai do: tăng lực tống máu của tim, co thắt động mạch (co thắt, chèn ép…), hẹp lòng động mạch,
- Tăng độ nhớt của máu: thiếu nước, máu cô đặc, tăng đường máu, rối loạn lipid máu, vữa xơ động mạch,
(Vệt mỡ đóng trên thành mạch, nguồn internet)
- Tăng nhịp tim, tăng phản ứng viêm trong cơ thể, tăng stress,
- Tăng áp suất không khí trong lồng ngực hơn áp suất không khí bên ngoài lồng ngực, do rặn (gắng súc trong lúc tiêu, tiểu, nâng vật nặng, sanh con),
- Giảm tính đàn hồi do xơ cứng mạch máu: lão hóa, giảm collagen,
- Giảm lượng máu nuôi một số cơ quan trọng yếu như: thiếu máu não (vữa xơ động mạch, thoái hóa cột sống cổ), thiếu máu cơ tim, hẹp động mạch thận…tim phải co bóp mạnh và nhanh nên gây tăng huyết áp.
- Các thuốc hạ áp tân dược phổ biến:
- Thuốc lợi tiểu (Thiazides, Loops, Potassium sparing, Aldo sterone, antagonists),
- Thuốc ức chế men chuyển (Angiotensin-converting enzyme inhibitors),
- Thuốc chẹn thụ thể (Angiotensin II receptor blockers),
- Thuốc chẹn β (β-blockers) có có chọn lọc , không chọn lọc, chẹn hoạt tính giao cảm nội tại và chẹn cả α – β.
- Thuốc chẹn kênh calcium (Calcium channel blockers) Dihydropyridines và không Dihydropyridines.
- Thuốc chẹn thụ thể α1,
- Thuốc đồng vận α2 trung ương (central α2-agonists),
- Thuốc Reserpine, thuốc giãn động mạch trực tiếp, thuốc ức chế giao cảm sau hạch (post ganglionic sympathetic inhibitors).
Tóm lại, có rất nhiều loại thuốc hạ huyết áp Tân dược đếm không xuể và có chung các tác dụng sau: gây giãn mạch máu, giảm nhịp tim, giảm sức co bóp cơ tim, giảm tích nước và muối trong cơ thể. Một loại bệnh mà càng ngày càng xuất hiện nhiều thuốc mới, ngầm hiểu rằng bệnh đó “bó tay” hoặc “khốn khổ” cho cả người bệnh lẫn thầy thuốc.
- Thuốc Tân dược có thể chữa được bệnh THA không?
- Chắc chắn là không, vì khi ngưng thuốc hạ áp, huyết áp lại tăng cao,
- Nếu chỉ điều trị bằng thuốc hạ áp, theo thời gian sẽ phải tăng liều và phối hợp nhiều loại thuốc cùng một lúc,
- Nhiều phản ứng ngọai ý do thuốc gây ra là không tránh khỏi: mạch máu dễ vỡ, phù chân, tụt huyết áp khi thay đổi tư thế, suy thận, rối loạn giấc ngủ, giảm chức năng tình dục, ho kéo dài…
Mục tiêu của chữa trị bệnh THA là ổn định huyết áp và hạn chế biến chứng. Nếu chỉ giảm số đo huyết áp, nhưng không phục hồi tính đàn hồi và độ bền của mạch máu sẽ không hạn chế được biến chứng của bệnh THA.
(Tai biến mạch máu não do hẹp lòng mạch máu, Nguồn internet)
Đơn thuần chỉ uống thuốc sẽ không giúp cải thiện được độ co giãn của mạch máu, không hỗ trợ tuần hoàn của máu, đương nhiên sẽ không giảm nguy cơ vỡ thành mạch máu.
- Phải làm gì khi bị THA và không phải uống thuốc suốt đời:
- Kiểm soát cân nặng hợp lý, không thừa cân – béo phì và không bị suy dinh dưỡng,
- Tập thể dục đều đặn, vừa sức, kết hợp thở sâu,
- Áp dụng cách ăn uống để kiểm soát huyết áp (Dietary Approaches to Stop Hypertension – DASH):
- Ăn nhiều trái cây, rau, củ, các loại hạt, đậu với đa dạng chủng loại và màu sắc (chiếm 70 – 80% khẩu phần), phần còn lại là cơm, cá, thịt gà – vịt… chỉ chiếm 20 – 30%).
- Tăng cường thức ăn từ thực vật có chứa kali, magnesium, và calcium, vitamin…đó là rau, trái cây có màu sắc đậm, sáng.
- Hạn chế thịt đỏ (bò, heo, trừu, trâu, ngựa, dê), nước ngọt, rượu – bia,
- Giảm muối < 1 muỗng cà phê (5g muối / ngày # 2, 4 g Natrium), đường cát trắng, đường phèn, mỡ heo, bò – dầu nấu quá sôi hay sử dụng nhiều lần.
- Uống đủ nước sạch, có tính hơi kiềm tốt hơn,
- Nói không với thuốc lá.
- Không chế biến thức ăn cầu kỳ, nhiều gia vị (bột ngọt, bột nêm, bơ), hạn chế nướng, chiên, xào, nấu quá kỹ.
- Ngủ đủ giấc, kiểm soát stress, tham gia hoạt động cộng đồng, thưởng thức nghệ thuật, dự Lễ Chùa, Nhà thờ…
- Chọn thức ăn có tác dụng cải thiện độ co giãn và tăng sức bền của mạch máu.
(Phần tiếp theo:
Thuốc Đông y chữa bệnh THA và Một số thực phẩm cải thiện độ co giãn và tăng sức bền thành mạch máu)