CÔNG DỤNG CỦA SỮA ONG CHÚA
1. Sữa ong chúa là gì?
Tên khác: Phong nhũ; tên tiếng Anh: Royal jelly, Honey Bee Milk…tiếng Pháp: lait des abeilles.
Đừng nhầm lẫn vói phấn hoa, mật ong thường. Sữa ong chúa là một chất tiết giống như sữa được tạo ra bởi những con ong thợ từ 5 – 15 ngày tuổi.
Ong thợ khi hút mật no, các tuyến ở hạ hầu và xương hàm dưới bị kích thích, các tế bào tuyến này căng phồng lên để chứa để chứa một chất giống như sữa màu vàng nhạt. Chất sữa này được đưa vào kho dự trữ của tổ để làm thức ăn riêng duy nhất cho con ong chúa, ấu chúa và ấu trùng ong. Nên gọi là sữa ong chúa. Sữa ong chúa sánh dạng cream chua, màu vàng mỡ gà hay vàng nhạt, vị đắng và hơi chua.
2. Thành phần của sữa ong chúa:
Sữa ong chúa chứa : 60 – 70% nước, 12 – 15% đạm, 10 -16% đường, 3 – 6% chất béo, 2 – 3% vitamin, ngoài ra còn có muối, acid amin.
Một số kết quả phân tích khác: Sữa ong chúa chứa nhiều vitamin nhóm B, vitamin A, C, E và K, nhiều nguyên tố vi lượng, 20 acid amin quan trọng mà trong đó có 12 acid amin thiết yếu (cơ thể người không tổng hợp được), và nhiều thành phần quan trong khác bao gồm các acid nucleic (DNA và RNA). Sữa ong chúa là nguyên liệu quan trọng dùng bào chế các loại thuốc hoặc thực phẩm chức năng dùng đường uống hoặc bôi bên ngoài (chăm sóc da) có tác dụng tăng cường các mặt hoạt động cho cơ thể (thuốc bổ dưỡng).
3. Tác dụng Sữa ong chúa:
– Với thành phần chứa trong sữa ong chúa kể trên, cho thấy giá trị bổ sung chất dinh dưỡng là chính. Có thể sử dụng tốt cho những người suy nhược sau mắc một bệnh nặng, người bị mệt mỏi sau lao động quá mức (trí óc, tay chân), những người có sức khoẻ bình thường (không tìm thấy một loại bệnh nào đó) nhưng không tăng cân được, ăn ngủ kém.
– Các loại bệnh sau đây thường các nhà sản xuất quảng cáo, sử dụng cần cân nhắc vì chưa đủ bằng chứng khoa học:
Tăng cholesterol, Hen phế quản, bệnh lý của gan, viêm tụỵ, mất ngủ, hôi chứng tiền kinh nguyệt (premenstrual syndrome=PMS), loét dạ dày, bệnh thận, gãy xương, các rối loạn của da, tăng miễn dịch, hói tóc, ung thư…
4. Tác dụng không mong muốn (phản ứng phụ):
Sữa ong chúa dùng đường uống thường an toàn. Tuy nhiên, nó có thể gây dị ứng bao gồm nặng cơn hen phế quản, phù niêm mạc miệng, có thể gây sốc nặng. Hiếm trường hợp gây chảy máu đại tràng, kết hợp với đau dạ day và tiêu chảy.
5. Nên cần thận trọng khi sử dụng sữa ong chúa nếu:
– Có thai và cho con bú
– Viêm nhiễm nặng ngoài da,
– Hen phế quản,
– Cơ địa dị ứng…
6. Tương tác giữa sữa ong chúa và thuốc khác:
Lưu ý người có các loại bệnh sau đây và đang uống thuốc đặc trị:
– Bệnh tăng huyết áp đang uống thuốc hạ áp, cần theo dõi huyết áp để điều chỉnh liều vì sữa ong chúa gây giảm nhẹ huyết áp.
– Người bệnh đang sử dụng thuốc chống đông máu (warfarin, coumadin), uống cùng sữa ong chúa có thể gây dễ chảy máu (hoặc xuất huyết dưới da).
7. Liều dùng:
Liều thay đổi tuỳ theo dạng bào chế, tuổi, cân nặng và tình trạng bệnh. Liều thường dùng từ 2 – 5g / ngày.