TỎI: CÔNG DỤNG VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý KHI SỬ DỤNG
Bs. Trần Văn Năm
Tỏi là một loại gia vị thông dụng từ rất xa xưa, Tỏi có tên khoa học là Allium sativum L. Họ: Hành (Alliaceae). Qua kinh nghiệm sử dụng làm thực phẩm, người ta cũng nhận thấy Tỏi lại có tác dụng chữa bệnh, từ đó Tỏi chính là một dược liệu có vai trò trong phòng và chữa được một số loại bệnh thường gặp trong cuộc sống hằng ngày.
Tại Việt Nam, hiện có 2 nhóm Tỏi phổ biến: một là Tỏi củ nhỏ, thơm, nhiều tinh dầu, trồng nhiều ở các tỉnh Phía bắc. Tỏi củ to trồng ở các tỉnh phía nam (ven biển miền Trung, đảo Lý sơn – Quảng ngãi, Bình thuận và Ninh thuận) vì tính chất thổ nhưỡng và khí hậu có khác nhau nên nồng độ hoạt chất giữa 2 nhóm có thể không hoàn toàn giống nhau.
Bộ phận dùng là thân hành còn gọi giò hay củ, tên dược liệu cổ truyền là Đại toán.
Lãnh vực điều trị, hiện nay các nhà khoa học tập trung nghiên cứu các tác dụng dược lý và lâm sàng của Tỏi là: chống oxyt hoá, kháng khuẩn, chống đột biến gen, giảm lipid máu và chống đông máu.
1.Thành phần hoá học của Tỏi:
Tỏi chứa 3 hoạt chất chính: allicin, liallyl sulfide và ajoene. Aliin là tiền chất của Allicin, dưới tác động cơ học (xắt, đâm giập) và dưới tác động của men anilaza, aliin sẽ biến thành Allicin có hoạt tính mạnh nhất.
– Trong Tỏi nguyên củ chứa chất alliin (S-allyl-L (+) cysteine sulfoxide>0,3%) và men alliinase. Khi ta bâm nhuyễn củ, chất alliin này bị phân giải bởi men alliinase (C-S-lyase) cho ra acid purivic và 2 propen sulphenic. Chất 2 propen sulphenic sẽ chuyển thành allicin. Các sản phẩm ngưng tụ của allicin như ajoen và vinyl dithiin cũng được tìm thấy trong Tỏi.
– Hợp chất polysaccharide: 2 tác giả Yang Ming và Wang Kui, phát hiện hợp chất polysaccharide có chứa Selenium (Se-GPS) trong Tỏi có tác dụng ức chế phá huỷ màng hồng cầu và có khả năng bẫy gốc tự do (theo CA. 118,1993, 77992 u).
– Protein: các tác giả Hirao, Sumioca, Yuzo, Isao đã tách được chất F4 là một protein trong củ Tỏi già có hoạt tính chống u và hoạt tính chống hân bào (mitogenic). (CA. 109, 1988, 424 j).
– Các chất khác: saponin steroid, Quercetin, Azulen…
2. Tác dụng dược lý (Viện dược liệu, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập II, tr. 967 – 969):
– Tính kháng khuẩn (Tụ cầu vàng, Shigella sonnei, Trực khuẩn lao, E.coli, Proteus spp., Bacillus spp…), kháng nấm (Microsporum canis, Trichophyton rubrum…), kháng virus (Cúm B, Herpes type 1…) kháng ký sinh trùng (Giun đũa, giun móc) có thể do các hoạt chất allicin, ajoen, diallyl trisulfid…gần đây còn một số tác giả nghiên cứu Tỏi bước đầu có tác dụng kháng Helicobacter pylori (The Journal of nutrition 131:3s 2001 Mar pg 1106S-8S).
– Ổn định lipid máu: Tỏi tươi, dịch ép Tỏi, cao Tỏi lão hoá đều có tác dụng giảm cholesterol, điều hoà chuyển hoá mỡ và hạn chế vữa xơ động mạch được nghiên cứu cả trên in vivo và in vitro.
– Ổn định huyết áp: các nghiên cứu in vivo và in vitro chứng minh cao nước, cồn Tỏi hoặc bột Tỏi có tác dụng giảm huyết áp động mạch qua cơ chế Tỏi tăng sản sinh Oxyd nitric, một chất gây dãn mạch.
– Chống đông máu: Tỏi chống ngưng tập tiểu cầu, giảm fibrin, giảm độ nhớt của máu…
– Chống oxyd hoá:Tỏi chứa nguyên tố vi lượng Selenium, một chất chống oxyd hoá mạnh làm tăng bảo vệ màng tế bào, phòng chống ung thư và bệnh tim mạch.
3. Dược lý Y Dược Cổ Truyền:
– Tỏi có mùi hôi, vị cay, tính ấm, có tác dụng chống cảm cúm, thải độc, loãng đờm, lợi tiểu, tiêu thực, khai khiếu.
– Liều dùng: từ 2 – 15g tuỳ mục mục đích và thể tạng, dùng ngoài đường uống có thể liều cao hơn.
4. Cách chế biến các dạng Tỏi dùng chữa bệnh:
Cần lưu ý: nấu, hoặc đặt Tỏi trong lò vi sóng allicin sẽ giảm hoặc mất (Pharmacogn Mag. 2014 Apr;10(Suppl 2):S288-93. doi: 10.4103/0973-1296.133279)
– Dạng sử dụng thông thường nhất là dùng Tỏi tươi: ăn sống, hoặc dầm vào nước chấm, mỗi ngày thường dùng khoảng 2 tép Tỏi là đủ.
– Tỏi ngâm dấm: trong môi trường acid tác dụng của tỏi tăng lên 4 lần, lấy 50g Tỏi tươi bóc vỏ, đâm nhuyễn ngâm vào 100ml dấm gạo là tốt nhất, ngâm từ nửa tháng đến 1 tháng là sử dụng tốt.
– Tỏi ngâm đường: Lấy 50g tỏi đem ngâm nước trong 7 ngày, mỗi ngày thay nước một lần, sau đó bóc bỏ vỏ rồi ngâm với muối một lúc cho chảy hết nước. Hòa 800g đường trắng trong một cái liễn miệng nhỏ với lượng nước chín vừa đủ, đổ tỏi vào ngâm trong 1 tháng là có thể ăn được. Tỏi ngâm đường có vị mặn ngọt, mùi thơm ngon.
– Rượu tỏi: 25g tỏi bóc vỏ, giã nát và ngâm với 100ml rượu trắng đậy kín, để chỗ thoáng mát, sau 7 ngày là có thể dùng được, mỗi ngày uống 1-2 lần, mỗi lần 25-30ml. Hoặc có thể chế theo cách khác: Dùng một cái bình miệng hẹp hoặc một vò rượu, đổ tỏi đã bóc vỏ vào đầy chừng 7/10 bình, xen kẽ với tỏi, rải từng lớp đường phèn đã đập vụn, rót rượu trắng vào cho ngập tỏi. Bịt kín miệng bình, để chỗ râm mát, sau 30 ngày là có thể dùng được, để càng lâu càng tốt, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 25ml.
– Tỏi đen (Black garlic) là tỏi được lên men từ tỏi thường trong một thời gian dài, sản phẩm có màu đen, vị ngọt, không còn mùi cay hăng của tỏi thường và có tác dụng dược tính gấp hàng chục lần tỏi thường, vì sau khi lên men hàm lượng các nhóm hoạt chất tăng rất cao, đặc biệt hàm lượng S-allyl-L-Cystein.
5. Lưu ý khí sử dụng:
– Cần thận trọng sử khi có thai và cho con bú, trẻ em chỉ sử dụng liều thấp,
– Đường bôi đắp ngoài da: nếu để Tỏi tiếp xúc trực tiếp trên da trong thời gian dài có thể gây bỏng,
– Có thể gây chảy máu nếu người sử dụng có rối loạn yếu tố đông máu hay đang uống các loại thuốc chống ngưng kết tiểu cầu,
– Điều chỉnh liều thuốc hạ huyết áp nếu dùng kết hợp Tỏi hoặc chế phẩm có Tỏi vì bản thân Tỏi gây hạ huyết áp động mạch,
– Không dùng Tỏi lúc dạ dày trống vì Tỏi kích thích niêm mạc dạ dày, dùng liều cao có thể gây viêm dạ dày,
– Ngưng sử dụng Tỏi khi có chuẩn bị phẫu thuật,
– Không uống cùng một lúc Tỏi với thuốc chống lao isoniazid, thuốc điều rị HIV, vì gây cản trở hấp thu các thuốc này vào cơ thể,
– Thuốc ngừa thai: Tỏi làm giảm hiệu quả của viên thuốc chứa estrogen.
6. Làm gì để khử mùi hôi miệng do ăn Tỏi: ngậm với dầu dừa hay nước trà đậm đặc.