Đông Y Làm Gì Trước Covid

ĐÔNG Y LÀM GÌ TRƯỚC DỊCH BỆNH COVID – 19

Bs. Trần Văn Năm

Qua quan sát từ cuối năm 2019, khi dịch Covid – 19 bùng phát đến nay, cho thấy Dịch chưa có dấu hiệu giảm mức độ độc hại, đặc biệt các nước Châu Á. Tuy nhiên, không phải ai mắc bệnh đều sẽ diễn biến nặng cần nhập viện điều trị hoặc tử vong.

  1. Mức độ nặng người bệnh (NB) Covid – 19: dựa trên một số công trình nghiên cứu được công bố như dưới đây:
  • Theo tập san Lancet Regional Health – Western Pacific, từ Malaysia, các nhà nghiên cứu (NC) phân tích gần 5.900 NB nhiễm Covid-19: có 92% là nhẹ, nặng chỉ chiếm 8%, trong đó 3,3% phải vào đơn vị chăm sóc đặc biệt (ICU).
  • Một NC trên 249 NB ở Thượng Hải ghi nhận: 94, 5% NB tự bình phục sau hai tuần nhập viện, và kết luận: 95% là nhẹ.
  • Tại Mỹ trên 56.000 NB Covid-19: có 81% là nhẹ và trung bình (chỉ theo dõi tại nhà, không cần đặc trị) và 19% là nặng.
  • Theo Bộ Y tế Việt Nam hiện nay, số NB nặng khoảng 3 – 5%. Cứ 100 NB nhẹ và trung bình, có # 20 người chuyển nặng, cần tập trung chăm sóc và điều trị tích cực, vì nguy cơ tử vong là 40%.
  • Qua các NC này, chúng ta có thể thấy trong số những người bị nhiễm mức độ nhẹ: có khoảng 15% đến 22% là trở nên nặng. Trong số những người nhiễm mức trung bình: tỉ lệ diễn biến nặng hơn khoảng 16%, nhưng đa số (90%) tự bình phục [GS. Nguyễn Văn Tuấn, https://vnexpress.net/khi-nao-can-nhap-vien-4326681.html].
  • Rõ ràng, phần lớn (# 80%) người bệnh Covid – 19 có thể chỉ cần cách ly, chăm sóc tại nhà dưới sự giám sát chặt chẽ của Đội ngũ Y tế được phân công, khi có dấu hiệu nặng như: sốt cao, khó thở, SpO2 ≤ 93%…sẽ giúp NB nhập viện điều trị kịp thời.
  1. Đông y trong chăm sóc NB Covid – 19:

Đông Y Việt Nam với lợi thế mỗi Tỉnh – Thành đều có Bệnh viện Y Học Cổ Truyền (YHCT), thậm chí Thành phố lớn có 2 – 3 bệnh viện; các Học Viện YHCT; Hội Đông Y – Châm Cứu Việt Nam và các Tỉnh – Thành; nhiều Công ty Dược (bào chế Sản phẩm từ cây – con làm thuốc rất đa dạng); cùng với đội ngũ Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ…chất lượng cao, có nhiều kinh nghiệm trong phòng – chống dịch bệnh do Virus trong những năm qua. Hy vọng sẽ giúp giảm tỉ lệ 20% NB chuyển nặng trong số 100 NB nhẹ và trung bình, rút ngắn thời gian phục hồi và giảm được tỉ lệ người bệnh nguy kịch có nguy cơ tử vong cao. Riêng với kinh nghiệm hơn 30 năm kết hợp Đông – Tây y khám và chữa bệnh, Tôi xin trình bày Liệu pháp Tự nhiên có thể áp dụng chăm sóc NB Covid – 19, thay vì không làm gì hết để chờ vào sự may mắn: bệnh không chuyển nặng.

2.1. Thực hiện cách sống lành mạnh:

  • Ổn định tâm trí, không quá hoang mang sợ hãi (sợ sẽ giảm sức đề kháng) khi biết mình mắc bệnh (vì hơn 85% thuộc thể nhẹ và tự phục hồi): thường xuyên tập thể dục: Thiền, Yoga, Dưỡng sinh, thở sâu mọi lúc khi có thể,
  • Giữ ấm cơ thể, đặc biệt vùng mũi họng, không uống đá, ở lâu trong phòng máy lạnh – kín gió, luôn làm sạch và thông thoáng mũi họng bằng dd Nacl 0,9%, nếu có điều kiện xông tinh dầu vùng mũi – họng.

2.2. Ăn uống cải thiện sức đề kháng: Chọn 2/3 thức ăn từ rau – củ – trái cây (nhiều vitamin, nguyên tố vi lượng, chất xơ); 1/3 từ động vật (ưu tiên cá, trứng, gà).

  • Nhóm rau: đa dạng, lá màu xanh đậm (có nhiều khoáng chất, vitamin, chất antioxidant); ưu tiên loại rau thơm: Sả, Húng chanh, Húng lủi, Húng quế, Kinh giới, Bạc hà, Diếp cá (gần đây phát hiện hiệu quả trong điều trị tình trạng viêm đường hô hấp), Lá lốt…giúp thông thoáng và bảo vệ niêm mạc mũi họng, kích thích tiêu hóa, chống đầy bụng chậm tiêu.
  • Nhóm củ: Tỏi, Nghệ, Gừng, Riềng, Hành (cả củ và lá), khoai Lang, khoai Mỡ, khoai Môn, Hoài sơn (củ Mài)…vừa đủ chất có dược tính, đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt tốt cho tiêu hóa, có tính kháng sinh (kháng vi trùng, virus) – kháng viêm, chống rối loạn chuyển hóa mỡ – đường trong máu. Đặc biệt có tác dụng điều hòa quá trình máu đông – máu chảy (một biến chứng nguy hiểm do tiêm phòng Sars-Covid-2: dù giảm Tiểu cầu nhưng hình thành cục máu Đông trong mạch máu).

  • Nhóm trái cây: Cam, Quýt, Bưởi, Chanh, Sơ ri (Barbados cherry), Ổi, Mận, Chuối, Xoài, trái Bơ, Măng cụt, Táo, Lê…có nhiều vitamin C, B, E…rất tốt cho sức đề kháng, thúc đẩy hình thành kháng thể kháng virus…
  • Bổ sung Lợi khuẩn: thức ăn lên men (Kim chi, Cải ngâm chua, Chao…cần chế biến vệ sinh), giấm Táo, Gừng lên men, Đậu nành lên men (Natto), Sauer- kraut, sữa chua (yogurt, yakult), tương Miso…tăng sức khỏe đường ruột, hoàn chỉnh hấp thu chất dinh dưỡng, tăng sức đề kháng, ổn định tâm trạng (phòng stress, chống rối loạn lo âu)…
  • Uống đủ nước: không uống nước ngọt có gaz, giảm đường, hạn chế rượu bia.

2.3. Giải pháp cụ thể:

  • Nồi xông dược liệu: lá Bưởi, lá Sả, lá Chanh, Gừng, Hương nhu, lá Tre…mỗi thứ khoảng 15 – 20 gr, 5g muối ăn, cho đủ nước. Đun sôi, nếu có Bạc hà cho vào sau khi nước đã sôi. Thực hiện ngày 1 hoặc 2 lần. Lưu ý tránh nhiễm lạnh sau khi xông.

  • Nước Gừng tươi 10g, ½ trái Chanh, mật Ong 5 – 10 ml, khuấy với # 120 ml nước ấm. Uống sáng và tối, sau ăn 30 phút.
  • Ăn chén cháo cảm loãng ấm với 1 quả trứng, tiêu Sọ, vài lát Gừng, Hành lá…; không ăn nhiều thịt, dầu béo vì gây tiêu hao men tiêu hóa, men chuyển hóa…
  • Các thuốc (hoặc chế phẩm chăm sóc sức khỏe) từ dược liệu: nên tham khảo ý kiến thầy thuốc:
    • Giảm triệu chứng (đau đầu, chảy mũi, sốt, đau mỏi cơ…): Hoắc hương chính khí, Ngân kiều giải độc, Sâm tô ẩm…
    • Chống ho, đau họng: Kha tử, Đinh hương, Ma hoàng, Quế chi, Hạnh nhân, chích Cam thảo, Trần bì, Bán hạ chế, Bạch chỉ, Hoàng cầm,Tiền hồ, Cát cánh, Mạch môn…có thể uống dạng thuốc sắc hay tán bột hòa với nước nóng uống.
    • Cải thiện sức đề kháng: bài thuốc Ngọc bình phong tán (Hoàng kỳ, Phòng phong, Bạch truật), Chích cam thảo thang (Chích thảo, A giao, Mạch môn, Quế chi, Gừng tươi, Đại táo, Nhân sâm, Sinh địa, Ma nhân)…Các vị thuốc có thể dùng riêng dưới dạng hãm nước sôi uống: Linh chi (thị trường có dạng cao, viên, trà), Bạch sâm (Sâm Hoa kỳ); Hồng sâm (sâm Châu Á), Đinh lăng, Đảng sâm (Sâm dây), Sâm Bố chính… có tác dụng chống oxy hóa, giảm stress, cải thiện hệ miễn dịch, bảo vệ tế bào gan, tăng khả năng thanh lọc, chống rối loạn lipid và đường trong máu.
  1. Lời kết:

Bên cạnh các biện pháp vệ sinh (cơ thể, vật dụng, môi trường), giãn cách xã hội, tiêm phòng Vaccine, rất cần giải pháp cải thiện Sức đề kháng từ: cách sống, ăn đúng, vận động đều, tĩnh tâm, sử dụng liệu pháp tự nhiên, sống có trách nhiệm với cộng đồng…chắc chắn sẽ hạn chế được số người phải nhập viện và tử vong. Nên nhớ, dù đã tiêm vaccine, vẫn tiếp tục áp dụng giãn cách xã hội, vì Vaccine chỉ giúp hạn chế tỉ lệ mắc bệnh, giảm số ca nặng và giảm tử vong.