Đừng để Tết ĐẾN mà sức khoẻ lại ĐI


ĐỪNG ĐỂ TẾT ĐẾN MÀ SỨC KHOẺ LẠI ĐI
Bs. Trần Văn Năm
Theo truyền thống ngày Tết là dịp để con cháu quay quần bên ông bà – cha mẹ (mừng tuổi), thăm hỏi thây – cô, gặp lại bạn bè, đi lễ chùa, trưng bày hoa kiểng… Tuy nhiên bên cạnh những tập quán tốt đẹp đó hiện vẫn còn tồn tại những thói quen có hại cần thay đổi để sức khoẻ không “đi” quá sớm:

1. Ăn nhiều chất bột đường:  ngày Tết không thể thiếu bánh ngọt – mứt – kẹo trong nhà. Như đã biết chất bột đường rất cần thiết cho tế bào hoạt động và chiếm hơn 50% tổng năng lượng của cơ thể. Tuy nhiên, khi sử dụng vượt quá nhu cầu, đặc biệt loại đường tinh chế (đường đơn, đường cát trắng, đường phèn) có trong các loại bánh – kẹo – mứt sẽ ảnh hưởng xấu đến cơ thể:

1.1. Đường gây hại cả tức thì lẫn lâu dài :
  • Tăng phản ứng viêm mạn tính, sâu răng, không tốt cho người bệnh ung thư (vì tế bào ung thư phát triển và tăng sinh nhờ vào chất đường),
  • Tăng nhanh đường máu do đường tinh chế có chỉ số đường huyết (glycemic index=GI) cao,
  • Giảm sức đề kháng (giảm hoạt động các tế bào bạch cầu của hệ miễm dịch) nên dễ bị các bệnh nhiễm virus, vi khuẩn…
  • Đề kháng insulin, tăng cholesterol có hại (TG, LDL-c, VLDL-c), gây hội chứng chuyển hoá, tiền đề của tăng huyết áp và bệnh đái tháo đường.
  • Gan nhiễm mỡ (bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu=Non – alcoholic fatty liver) không chữa trị có thể gây bệnh viêm gan mạn tính, xơ gan.
  • Đề kháng hormone Leptin (leptin là một peptide do tế bào mỡ tiết ra, có nhiệm vụ báo lên não biết cơ thể đã có đủ chất dinh dưỡng), dẫn đến ăn thừa và gây dư cân – béo phì.
  • Gây nghiện vì đường kích thích tiết chất dopamine từ tế bào não nên tạo cảm giác dễ chịu, thoải mái và khi thiếu đường sẽ tạo cảm giác bồn chồn, mệt mỏi.

1.2. Nên thay thế dần các loại mức – kẹo – bánh chế biến quá ngọt bằng các loại hạt chứa ít chất đường hấp thu nhanh như: hạt Hướng dương, hạt Dẽ, hạt Điều (Đào lộn hột), hạt Bí rợ, hạt Dưa hấu (không nhuộm màu), Hạnh nhân…cũng như các trái cây (có trong Mâm ngũ quả) giữ được trong các ngày Tết vừa tiện lợi vừa bổ dưỡng: Quít, Lê, Táo, Bưởi, Nho, Đu đủ, Thanh long, Dừa (thay nước ngọt có gaz)… rất tốt cho cơ thể.

2. Uống nhiều bia – rượu (B-R):
Trên bảng xếp hạng về phát triển kinh tế và khoa học kỹ thuật Việt Nam ở hạng rất khiêm tốn. Nhưng nước ta đang đứng hạng rất cao trong khu vực và thế giới về sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ B-R. Thói quen uống rượu – bia trở nên quá phổ biến và đang bị lạm dụng (từ tăng số lượng quán ăn – nhà hàng đến đa dạng đối tượng uống B-R) nếu không muốn nói hiện nay đã trở thành vấn đề nan giải của xã hội. Dù khi uống một lượng nhỏ B-R (chứa cồn) vào cơ thể nhưng tiếp diễn nhiều ngày, cồn sẽ hấp thụ vào máu và lưu chuyển khắp cơ thể đến từng tế bào của các cơ quan từ não – tim – gan – thận – dạ dày – tuỵ.  

2.1. Tác hại của B-R trên cơ thể:
  • Gan: gan nhiễm mỡ do rượu (Alcoholic fatty liver), viêm gan mạn, xơ gan, ung thư gan. Đặc biệt những người có bệnh gan do virus hoặc uống thuốc tân dược kéo dài có hại cho gan (như thuốc điều trị bệnh lao…).
  • Dạ dày, ruột: viêm – loét dạ dày, viêm ruột. Gây kém hấp thu, suy dinh dưỡng.
  • Tuỵ: ảnh hưởng đến chức năng nội – ngoại tiết của tuỵ gây viêm tuỵ cấp – mạn tính,
  • Tim mạch: viêm cơ tim, loạn nhịp tim, thiếu máu – nhồi máu cơ tim, suy tim.
  • Hệ thần kinh: viêm dây thần kinh ngoại biên, run, ảo giác, trầm cảm, giảm trí nhớ, tai biến mạch máu não,
  • Hệ sinh sản: có thể gây rối loạn cương dương, vô sinh nam – nữ.
  • Thận: viêm thận, bệnh thận mạn tính,
  • Suy giảm miễn dịch, ung thư các loại: lưỡi, hầu họng, thực quản, gan…

2.2. Làm gì khi lỡ uống quá nhiều B-R: tốt hơn hết không để gây nhiễm độc rồi tìm cách giải độc. Tuy nhiên, một số loại rau quả có tác dụng giảm tác hại của B-R:
  • Rau má: chống viêm, lợi tiểu, lợi mật, chống oxy hoá, tốt cho não, bền thành mạch…
  • Rau bồ ngót: chứa nhiều chất đạm, sinh tố và nguyên tố vi lượng rất cần cho cơ thể. Theo Đông y, Bồ ngót  có vị ngọt, tính mát lá và rễ đều có tác dụng kích thích lưu thông máu, hạ sốt, lợi tiểu, giải độc, cầm máu, nhuận trường, kháng khuẩn, tiêu viêm. Rau ngót vừa chữa bệnh vừa bổ sung chất dinh dưỡng, tăng sức đề kháng của cơ thể…
  • Cần tây: có tác dụng chống viêm, giảm đau, giảm huyết áp, bảo vệ gan, phòng sỏi thận. Bổ sung chất khoáng, vitamin, kích thích tiêu hoá.
  • Cà chua: Quả Cà chua chứa nước 90%, glucid 4%, protid 0,3%, lipid 0,3%, các acid hữu cơ như acid citric, oxalic, nhiều nguyên tố vi lượng, các vitamin A, B1, B2, B6, C, PP, E, K. Cà chua có vị chua ngọt, tính mát, giúp ăn ngon, hạ nhiệt, cầm máu, kháng khuẩn, giải độc, giảm acid hoá máu, lợi tiểu, tăng thải urê và độc chất trong cơ thể. Quả Cà chua thường được dùng ăn tươi, nấu canh giấm và làm mứt, tương Cà chua, xốt Cà chua…
  • Cà rốt: trong 100g cà rốt có 88g nước, 8g đường, 1.5g protid, 1.2g cenlulose, 43mg canxi, 39mg photpho, 0.8mg sắt, 0.06mg vitamin B1, 0.06mg vitamin B2, 0.4mg vitamin PP, 0.8mg vitamin C và từ 1 đến 9mg–caroten…Chất sắt và vitamin A trong cà rốt có tác dụng phòng và chữa thiếu máu, tăng sức đề kháng. Đối với những bệnh nhân viêm gan, cà rốt là một vị thuốc tốt của gan mật.
  • Tía tô: Tía tô chứa 0,3-0,5% tinh dầu (theo trọng lượng khô), citral 20%. Thành phần tinh dầu chủ yếu là perillaldehyd, L-perrilla alcohol, limonen, α-pinen,…tác dụng tốt cho tiêu hoá, thải độc, lợi tiểu, chống dị ứng thức ăn…
  • Sắn dây: theo Đông y, củ sắn dây có vị ngọt, mát, tính bình, đi vào kinh tỳ, vị, phế, bàng quang, có tác dụng hạ nhiệt, bổ sung nước, chất khoáng, chống khô miệng, khát nước, thông đại tiểu tiện, giải độc. Thường dùng khi cơ thể nóng bức, tiểu đậm màu, ngực bụng đầy và ngộ độc rượu.
  • Các loại quả thải độc: bưởi, cam, quýt, dưa hấu, nước dừa, lê, táo…


Tóm lại: cùng với thức ăn ngọt, B-R rất có hại sức khoẻ. Uống nhiều B-R còn ảnh hưởng lớn kinh tế, an toàn lao động – giao thông và an sinh xã hội. Do đó mỗi người cần thay đổi lối sống cho hợp lý, mong sao đừng để “Tết đến mà sức khoẻ lại đi”.