DƯỢC LIỆU CÓ TÁC DỤNG HẠ ÁP

Phần 2: DƯỢC LIỆU CÓ TÁC DỤNG HẠ ÁP

Bs. Trần Văn Năm

Phần 1: Tăng Huyết áp kháng trị
Phần 3: Giới thiệu vài cây rau có tác dụng hạ áp

1. Cây cúc hoa vàng (Chrysanthemum indicum):


Bộ phận dùng: hoa cúc (Flos Chrysanthemi) phơi hay sấy khô.

– Thành phần: adenine, choline, stachydrin, vitamin A và tinh dầu

– Có vị đắng, hơi ngọt, tính lạnh. Vào kinh phế, can, thận. Phù hợp người có cơ địa nóng, khô miệng khát nước, táo bón.

– Tác dụng: giảm các triệu chứng đau đầu, hoa mắt, chóng do tăng huyết áp gây ra. Trị cảm sốt, ho.

– Liều 9 – 15 g/ngày.


2. Ích mẫu (Leonurus Heterophyllus Sweet, Motherwort Herb, họ: Lamiaceae):

 Bộ phận dùng: toàn cây (Herba Leonuri) hoặc quả chín phơi hay sấy khô (Fructus Leonuri, vẫn gọi lầm là hạt).

– Thành phần: Có chất Stachydrine có tác dụng thúc đẩy tuần hoàn máu và chống huyết khối, rutin (một flavonoside).

– Vị cay, đắng, tính mát, lạnh.

– Tác dụng hạ huyết áp, kích thích co bóp tử cung, chống viêm thận, lợi tiểu.

– Liều dùng: 6 – 12 g/ngày.

3. Đỗ trọng (Eucommia ulmoides Oliv.):


– Bộ phận dùng: vỏ thân (Cortex Eucommiae).

– Thành phần: hoạt chất là lignans và iridoids, chất Gutta pecka,

– Vị ngọt, hơi cay tính ôn vào 2 kinh can và thận.

– Tác dụng: hạ huyết áp, ổn định lipid máu, hạ đường, giảm cân, chống loãng xương, rối loạn cương, điều hoà miễn dịch, chống lão hoá, cải thiện trí nhớ.

– Liều từ 5 – 12 g/ngày.

4. Hoa hoè (Flos Sophorae japonicae, họ Fabaceae):


– Bộ phận dùng: hoa.

– Thành phần: Chứa một glycoside là Rutin (Rutozit) khi thuỷ phân cho ra quexitin hay quexetola C15 H10O7, glucose và ramnosa. Rutin là một loại vitamin P, có tác dụng tăng sức bền thành mạch máu, mao mạch.

– Hoa có vị đắng, tính bình. Quả có vị đắng tính hàn.

– Tác dụng: bền thành mạch, chống xuất huyết, ổn định huyết áp.

– Liều: 5 – 20g/ngày.

5. Cây Ba kích (Morinda offcinalis How. Họ Rutaceae):

– Bộ phận dùng: Rễ cây Ba kích thu hoạch vào mùa Đông,

– Thành phần: có chất anthraglycoside, acid hữa cơ…rễ tươi có vitamin C.

– Tác dụng giảm huyết áp, điều hoà co bóp của ruột.

– Ba kích có vi cay ngọt tính ấm, vào kinh Thận.

– Liều dùng: 5 – 10g/ngày.

6. Cây Câu đằng (Uncaria rhynchophylla Miq Jack, họ: rubiaceae)


– Bộ phận dùng: cành có chứa các móc câu (Rynchophylla et Uncus Uncariae),

– Thành phần: Chứa 2 alkaloide: rhynchophylin C22H28O4N2 và isorhynchophylin.

– Tính vị: ngọt, lạnh và 2 kinh can và tâm bào.

– Tác dụng: trấn tĩnh, chống co mạch và hạ huyết áp.

– Liều dùng: 6 – 15g/ngày

7. Cây Nhàu (Morinda citrifolia L. họ: Rubiaceae)


– Bộ phận dùng: rễ, quả và lá.

– Thành phần: Vỏ rễ nhàu chứa glycoside anthraquinone là morindin C28 H30 O15 , các bộ phận khác của Nhàu còn chứa chất Selenium.

– Tác dụng: nhuận tràng, lợi tiểu, dịu thần kinh giao cảm, hạ huyết áp, độc tính rất thấp.

– Liều dùng: 15 – 30 g/ngày.

8. Cây Dừa cạn (Catharanthus roseus L. G. Don; Vinca rosea Reich. Họ: Apocynaceae)


– Bộ phận dùng là toàn cây.

– Thành phần: acid pyrocatechic, sắc tố flavonic (glycoside của quercetol và campferol) và anthocyanic. Trong lá có acid ursolic và từ rễ có chất choline. Hoạt chất là alkaloid có nhân indol, alkaloid: leurosidin (vinrosidin), leurocristin, leurosivin, rovidin..có tác dụng chống khối u.

Hiện theo kinh nghiệm, Dừa cạn dùng làm thuốc hạ áp, hạ đường máu, lợi tiểu, chống bệnh ung bướu.
– Liều dùng: 10 – 15g/ngày.

9. Hoàng cầm (Scutellaria baicalensis Georg. Họ Hoa môi (Lamiaceae).


– Bộ phận dùng: rễ.

– Thành phần: có chứa Baicalein, scutelarein, scutelarin, baicalin.

– Vị đắng tính lạnh vào kinh: tâm, phế, can, đởm và đại tràng.

– Tác dụng: lợi tiểu, hạ áp, bền thành mạch, hạ nhiệt.

– Liều dùng: 6 – 15g/ngày.

10. Trùng đất (Địa long, Pheretima asiatica Michaelsen. Họ Cự dẫn, Megascolecidae)


– Bộ phận dùng: toàn con giun phơi hay sấy khô (Lumbricus)

– Thành phần: lumbritin, terastrolumbolysin, lumbrifebrin, adenine, guanine…

– Vị mặn, tính lạnh vào 3 kinh: tỳ, vị và thận

– Tác dụng: hạ nhiệt, giãn khí quản, kháng histamine, hạ áp, kháng đông máu.

– Liều: trung bình 6 – 15g/ngày.


11. Dành dành (Gardenia jasminoides Ellis, họ Cà phê [Rubiaceae])


– Bộ phận dùng: Chi tử (quả Dành dành): chi là cái chén đựng rượu, tử là quả hay hạt, trông như chén dùng uống rượu ngày xưa.

– Thành phần: trong quả có một glycoside màu vàng là Gardenin, tannin, tinh dầu và pectin; lá có mannit.

– Chi tử có vị đắng tính lạnh, vào 3 kinh: tâm, phế và tam tiêu.

– Tác dụng: trị vàng da, viêm kết mạc, xuất huyết, rối loạn kinh nguyệt, Tăng huyết áp, viêm đường tiểu

– Liều dùng: 6 – 12g/ngày.

Đây chỉ là danh sách các dược liệu có tác dụng giảm chỉ số huyết áp. Sẽ khó đạt hiệu quả hạ áp như mong muốn nếu sử dụng đơn độc vài dược liệu mà phải phối hợp thuốc dựa vào thể trạng cụ thể của từng người bệnh, đặc biệt đối với bệnh THA kháng trị. Vì chỉ có “người bệnh”, không chỉ có cái “tên bệnh”.

(Phần 3: Giới thiệu vài cây rau có tác dụng hạ áp).