Làm Gì Khi Bị Loãng Xương

BỆNH LOÃNG XƯƠNG CÓ ĐÁNG SỢ?

Bs. Trần Văn Năm

  1. Có nên quá sợ hãi khi bị Loãng xương (LX)?
  • Sợ nhưng không quá sợ đến mất ăn mất ngủ hay phải gõ cửa hết chuyên gia này tới chuyên gia khác.
  • Gọi là LX khi khối lượng xương giảm và tổn hại đến vi cấu trúc của mô xương và xương trở nên giòn, dễ gãy.

(H. minh họa loãng xương đốt sống, nguồn internet)

  • Cấu trúc của xương gần giống như một trụ xi măng – cốt thép, gồm 2 thành phần:
    • Phần vô cơ (xi măng, cát, đá của bê tông): là những chất khoáng, gồm: Calcium, Phosphorus, Mg, Zn, Si…),
    • Phần hữu cơ (cốt thép): chiếm 50% khối lượng xương, là chất collagen, làm bộ khung để chất khoáng bám vào.
  • Xương là Mô sống, có sự “cân bằng động” giữa tạo xương và hủy xương, luôn thay cũ đổi mới, tế bào xương già chết đi nhường chỗ cho tế bào xương trẻ phát triển (Bone turnover, chu chuyển xương), nếu quá trình này diễn ra suôn sẻ, xương sẽ chắc bền, nếu dừng lại xương sẽ cứng dòn và dễ gãy.
  • Nhận biết (Chẩn đoán) độ bền chắc của xương cần 3 tiêu chí dưới đây:
    • Mật độ khoáng của xương (BMD=Bone Mineral Density) dựa vào DEXA scan (Dual Energy X-ray Absorptiometry Scan),
    • Chất lượng xương (bone strength): do chất collagen (chất keo xương) quyết định, hiện chưa có kỹ thuật đo được,
    • Chu chuyển xương (Bone turnover): có thể đánh giá gián tiếp dựa vào xét nghiệm Osteocalcin, P1NP trong máu.
  • Nếu chỉ dựa vào Mật độ khoáng của xương (BMD) sẽ không cho biết chính xác độ bền thực sự của xương. Vì có những trường hợp khi đo DEXA bình thường hoặc cao, nhưng xương vẫn dễ bị gãy.
  1. Hậu quả của Loãng xương:
  • Nếu nhẹ, thường không có triệu chứng, một số người có thể bị đau lưng, mỏi gối, có tiếng kêu trong khớp khi vận động, giảm chiều cao…
  • Nếu LX nặng rất dễ gãy xương dù với một tác động nhẹ, xẹp (gãy) đốt sống, gù, vẹo cột sống, biến dạng xương.

(Bơm cement sinh học do gãy đốt L1, nguồn của tác giả)

  • Nếu gãy xương lớn (cổ xương đùi, đốt sống) sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sống, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

(thay cổ xương đùi, đinh thép cố định cột sống-nguồn của tác giả)

  1. Làm gì để phòng bệnh LX?
  • Khi còn trẻ: cố gắng đạt mật độ xương đỉnh (peak bone mass) cao nhất có thể (độ tuổi 25), ăn uống hợp lý, tập các môn thể dục – thể thao phù hợp.
  • Khi tuổi cao (đặc biệt phụ nữ tiền – mãn kinh, do giảm nội tiết tố sinh dục): nên thường xuyên tham gia các hoạt động dã ngoại (cần ánh nắng mặt trời giúp da tổng hợp vitamin D), tập thể dục vừa sức (Yoga, Taichi, Dưỡng sinh, đi bộ, đạp xe, khiêu vũ…), không nên uống nhiều sữa bò và thịt chế biến đậm đà (nhiều đường – muối – dầu béo).
  • Khi có sự cố phải nằm bất động lâu ngày trên giường bệnh, cần có biện pháp chăm sóc sức khỏe xương phù hợp (tập vật lý trị liệu, uống thuốc phòng LX).
  • Cách ăn lành mạnh:
    • Đủ chất đạm (khoảng 80 – 100g / ngày, ưu tiên đạm từ cá, tép và các loại hạt – đậu), tăng rau – củ – trái cây trong khẩu phần;
    • Đủ Calcium từ cá và các rau có lá màu xanh đậm như: rau bina (rau chân vịt), cải Xoăn, Cải bẹ xanh, cải Rổ, Đậu rồng, Cải thìa, Xà lách, Cần tây, Bông cải xanh, Giá đỗ, Măng tây, rau Dền…
    • Hạn chế đường tinh luyện (đường cát trắng, đường phèn), thức ăn nhiều dầu béo hay chế biến sẵn;
    • Không lạm dụng nước ngọt có gaz; giảm muối và gia vị từ hóa chất;
    • Kiêng thuốc lá và các chất gây nghiện;
    • Hạn chế rượu bia, cà phê chỉ uống lượng ít.
  • Bổ sung Probiotic như Yogurt, Natto, Sauerkraut, Miso…vì chứa Vitamin K2 (Menaquinone, tiền chất MK-4 – MK-7) có tác dụng hoạt hóa Osteocalcin giúp calcium gắn vào chất keo xương nên xương chắc khỏe.
  • Uống Collagen peptide nguồn gốc tự nhiên: cao xương động vật*, da hoặc vảy cá…nhằm bổ sung phần hữu cơ của xương.
  • Chỉ sử dụng thuốc Bisphosphonate [(Alendronate: Fosamax), (Zoledronic acid: Aclasta)] khi có bằng chứng tăng hoạt động quá mức của tế bào hủy xương.

(Giá thuốc ức chế hủy cốt bào Aclasta-tháng 12, 2020)

  • Uống hormone thay thế khi có chỉ định và được theo dõi bởi thầy thuốc chuyên khoa.
  1. Cần cảnh giác với một số thuốc Tân dược khi uống lâu dài sẽ gây LX:
  • Corticosteroid: dùng điều trị bệnh Hen, thấp khớp, Lupus, H/c Thận hư nhiễm mỡ…
  • Thuốc chống co giật (động kinh), Hóa trị liệu các bệnh ung bướu, thuốc ức chế miễn dịch, thuốc chống đông máu, thuốc lợi tiểu furosemide…
  • Thuốc ức chế bơm proton (Proton Pump Inhibitor) dùng trị bệnh viêm – loét hay trào ngược dạ dày – thực quản, như Omeprazole, Nexium…
  • Thuốc hướng thần kinh: chống trầm cảm, chống rối loạn lo âu…
  • Một số thuốc hạ đường máu (Thiazolidininedione…),

Bệnh Loãng xương cần thực hiện phòng và kiểm soát từ khi còn trẻ để có mật độ xương đỉnh tốt nhất, vì tuổi càng tăng nguy cơ LX càng cao. Không chờ đến lúc gãy xương mới lo chạy chữa, vừa tốn kém vừa hiệu quả không như mong muốn. Bộ 3: VẬN ĐỘNG ĐỀU ĐẶN – ĂN UỐNG LÀNH MẠNH – UỐNG THUỐC HỢP LÝ sẽ kiểm soát được LX và hạn chế được hậu quả ai cũng sợ: gãy xương, đặc biệt ở người cao tuổi.

*Collagen peptide từ cao xương CS được nghiên cứu tiền lâm sàng và lâm sàng tại Viện YDHDT Tp. HCM, Khoa Dược – ĐHYD Tp. HCM.