TÂM DƯỢC – MỘT LIỆU PHÁP
KHÔNG THỂ THIẾU TRONG CHĂM SÓC CÁC BỆNH KHÓ TRỊ
Bs. Trần Văn Năm
Cuộc sống ngày càng hối hả, ô nhiễm môi trường ngày càng tăng, sức khoẻ bị đe doạ nghiêm trọng. Con người thường gặp phải stress, đặc biệt loại mạn tính. Stress mạn tính góp phần phát sinh nhiều bệnh khó chữa khỏi như: đái tháo đường, tăng huyết áp, xơ mỡ động mạch, rối loạn hoạt động tâm – thần kinh, đặc biệt bệnh ung thư. Nếu ngành y tế chỉ tập trung các liệu pháp: thực dược, sinh dược (cây-con làm thuốc), hoá dược (tân dược), tập luyện thể lực mà bỏ quên một liệu pháp giúp ổn định và cân bằng hệ thần kinh là một thiếu sót rất lớn. Chúng tôi tạm gọi đó là liệu pháp “Tâm dược”.
Khi tâm trạng không ổn định, hưng phấn – ức chế mất cân bằng, xung đột trong cuộc sống gia đình – xã hội, nếu không kiểm soát được sẽ gây lo, sợ, buồn, chán, uất, hận. Các cảm xúc trên ảnh hưởng xấu đến cơ thể:
- Tăng catecholamine gây giảm tế bào T, nên cơ thể dễ bị nhiễm trùng.
- Phóng thích histamine, thúc đẩy co thắt phế quản nặng ở người bị hen phế quản.
- Tăng nguy cơ đái tháo đường, đặc biệt ở người thừa cân, vì stress tâm lý biến đổi nhu cầu insulin và tăng insulin trong máu.
- Thay đổi nồng độ acid dịch vị, dẫn tới loét dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản.
- Thúc đẩy xơ vữa động mạch sớm, đặc biệt nếu kết hợp với lối sống ít vận động hoặc chế độ ăn nhiều mỡ bão hoà.
- Sự liên hệ giữa stress và bệnh có căn nguyên tâm lý mà hậu quả sẽ là trầm cảm hoặc tâm thần phân liệt.
- Ngày càng có bằng chứng khoa học của mối liên quan nhân – quả giữa thay đổi hệ thống miễn dịch và sự phát triển bệnh ung thư. Những nghiên cứu mới đây tìm thấy mối liên hệ giữa stress, bệnh ung bướu và sự ức chế tế bào diệt tự nhiên (natural killer), tế bào này chịu trách nhiệm phòng ngừa di căn và diệt tế bào di căn giai đoạn sớm.
Biện pháp kiểm soát stress mạn tính nhằm tối ưu năng lực của não bộ và cơ thể:
- Thở sâu (thở bụng) không đóng thanh quản: đồng thời buông lỏng cơ mặt, hàm, cổ ngực, tay chân…chỉ sau vài phút thở sâu, sự cân bằng giữa hưng phấn và ức chế của thần kinh sẽ được tái lập. Trạng thái rối loạn lo âu, giận dữ, căng thẳng…sẽ dần mất đi.
- Thư giãn (relaxation) hoặc Thiền định (meditation): nhằm dẫn ý nghĩ đến một bộ phận nào của cơ thể (điểm hưng phấn chủ động), cùng lúc xoá bỏ được những cảm nghĩ mông lung (tạp niệm) quấy động tâm trí. Sức mạnh của ý nghĩ sẽ được phát huy nhờ vào các chất dẫn truyền thần kinh (phân tử peptide) để lưu hành khắp cơ thể (“ý đến đâu khí sẽ đến đó”).
- Giữ thái độ tích cực, lạc quan trong cuộc sống. Tư duy tích cực được ghi nhận ở hệ viền (limbic system) sẽ kích thích vùng hạ đồi (hypothalamus) gây ảnh hưởng lên hệ miễn dịch và giúp bảo vệ cơ thể.
- Tập trung vào động tác: chú ý vào đôi chân (khi đi, chạy bộ), vào đôi tay (viết, quét dọn…)
- Định vị, đóng khung vấn đề để giải quyết tình huống.
- Kiểm soát quỹ thời gian, nhìn lại lối sống, tư duy tích cực, chọn loại hình tập thể dục phù hợp.
Tóm lại: để chiến thắng các bệnh khó chữa trị cần phối hợp nhiều biện pháp và huy động mọi tiềm năng của cơ thể, trong đó không thể thiếu liệu pháp “Tâm dược”.