Món Ăn Hỗ Trợ Phòng Bệnh Cúm

MÓN ĂN HỖ TRỢ PHÒNG BỆNH CÚM

Bs. Trần Văn Năm

Từ cuối năm 2020 đến nay, cả Thế giới đang gồng mình chống chọi lại với nhiều trận Dịch, trong đó đại Dịch cúm Covid-19 là nghiêm trọng hơn cả. Dịch bệnh gây tổn hại lớn đến tính mạng, kinh tế, và an ninh cuộc sống của mọi người khắp nơi trên thế giới. Bên cạnh các việc làm bắt buộc như: giữ vệ sinh, mang khẩu trang, giãn cách xã hội… biện pháp tăng cường sức đề kháng luôn đóng vai trò quan trọng trong phòng chống bệnh và dịch bệnh, nhằm hạn chế số người bệnh nặng phải nhập viện và giảm tỉ lệ tử vong.

Những việc cần làm ngay:

  1. Hãy bắt đầu bằng đĩa ăn hàng trong gia đình của bạn.

Cách đây hơn 2.500 năm, Hippocrates đã nói “Hãy để thức ăn là thuốc và thuốc là thức ăn” (Let food be thy medicine and medicine be thy food) và Ông cha ta cũng luôn nhắc nhỡ rằng: “Bệnh từ miệng mà vào”. Nên ưu tiên hàng đầu là các loại rau – trái (có chứa nhiều vitamin C, B, E, A…), đã được chứng minh từ kinh nghiệm hàng ngàn năm cho đến các công trình nghiên cứu khoa học cho kết quả cải thiện tốt sức đề kháng:

A. Tất cả các loại rau thơm có tinh dầu:

Gừng, Tía tô, Kinh giới, Húng chanh, Húng lũi, Húng quế, Riềng, Nghệ…

Gừng:

  • Gừng (Zingiber officinale Rose.), họ gừng (Zigiberaceae), Gừng không chỉ là gia vị mà còn là vị thuốc có nhiều công dụng trị bệnh cảm sốt.

(dạng Gừng tươi và khô, nguồn internet)

  • Gừng thường dùng ở dạng tươi (sinh khương) và khô (can khương). Thành phần chủ yếu là tinh dầu: β – zingiberen, α – curcumen, β – farnesen, α – camphen, β – phelandren, eucalyptol, các hợp chất alcol: geraniol, linalol, borneol, zingeron, zingerol….
  • Các chất có trong Gừng, ức chế histamin và acetylcholin, nên chống co thắt, giúp giảm đau do co thắt ống tiêu hóa (bao tử, ruột). Gừng có tác dụng hạ sốt, giảm ho, tăng tuần hoàn máu, chống nôn, chống viêm, kích thích tiêu hóa, chống loét, tăng tiết nước bọt, ức chế phát triển của nhiều chủng nấm có hại như: Epidermophyton floccosum, Microscosumgypseum, Paecilomyces, Trichophyton mentagrophytes và vi khuẩn.
  • Theo YHCT, Gừng có tác dụng chống cảm lạnh, chống nôn, giảm ho, loãng đờm, lợi tiểu, giải độc. Liều lượng, ngày 10 – 20 g Gừng tươi, 3 – 9g Gừng khô. Dùng ở dạng tươi: xắt lát hay băm nhuyễn khoảng 5g – 10g, hãm nước sôi uống, thêm khoảng ½ trái chanh và Mật ong uống mỗi sáng hoặc trộn vào chén canh hay đĩa rau xào…Có thể nấu Gừng tươi vói Hành, Tiêu sọ…thành một bát cháo ăn khi bị cảm lạnh.

Hành lá (Tên khoa học: Allium fistulosum, họ: Alliaceae).

  • Vị cay, ấm.

  • Được sử dụng trong nhiều món ăn. Hành lá giàu chất xơ, hợp chất Allyl sulfide, vitamin C, K, A, B12, các flavonoid thiết yếu, đồng, Calcium và một số enzyme: invertase, pepsin, pancreatin (kích thích tiêu hóa). Nhờ các chất dinh dưỡng dồi dào, hành lá là nguyên liệu không thể thiếu trong nhiều món ăn. Dưới đây là một vài lợi ích chính Hành lá mang lại: hỗ trợ tiêu hóa, cải thiện hệ miễn dịch, phòng cảm cúm, ổn định đường huyết, tốt cho thị lực, chống gốc tự do.
  • Cách dùng: cho vào canh, hay trộn chung vào đĩa rau hoặc món xào,
  • Công dụng chữa bệnh phổ biến nhất của hành lá chính là giảm các triệu chứng khó chịu của bệnh cảm cúm, mỗi khi bị cảm nên nấu bát cháo hành giúp cơ thể tăng thải mồ hôi, lưu thông mạch máu, nhẹ gánh nặng cho hệ tiêu hóa, cơ thể sẽ nhanh phục hồi.

Tần lá dày (Húng chanh, Plectranthus amboinicus, Họ Lamiaceae).

  • Húng chanh có vị the cay, hơi chua, mùi thơm, tính ấm. Lá chứa ít tinh dầu (0, 05-0, 12%), gồm 65, 2% các hợp chất phenolic trong đó có salicylat, thymol, carvacrol, eugenol và chavicol; còn có một chất màu đỏ là colein.
  • Colein trong lá có tác dụng kháng sinh mạnh đối với một số vi trùng, nhất là ở vùng họng, mũi, miệng và cả ở đường ruột.
  • Húng chanh giúp trừ đờm, giải cảm, làm ra mồ hôi, chống đầy chướng hơi, giải độc.
  • Dạng dùng: thái nhỏ lá Húng chanh để ướp thịt, cá, nấu canh. Lá và ngọn non thường được dùng trị Cảm cúm, ho hen, ho ra máu, sốt cao. Liều dùng 10-15g, dạng thuốc sắc hoặc giã lấy nước uống. Có thể dùng riêng hoặc phối hợp với nhiều loại lá khác nấu nước xông.
  • Giã nát một 15 – 20 lá Húng chanh cùng với một ít muối và một ít nước sôi để nguội, rồi vắt lấy nước uống.
  • Có thể dùng chung với: Gừng tươi: 2 lát, Cam thảo đất: 1 nắm, Lá tía tô: 1 nắm. Nấu sôi với Gừng và Cam thảo trước, sau đó cho Húng chanh và Tía tô vào sau, đậy nắp chờ khoảng 5 phút, là sử dụng được khi nướ còng ấm.

Rau Húng quế (Húng chó, Húng giổi, tên khoa học: Ocimum basilicum, Họ: Hoa môi (Lamiaceae).

(húng Quế, nguồn internet)

  • Rau húng quế có tính ấm, vị cay, do có tinh dầu gồm: Camphene, eugenol, Linalol, Cineol, Estragolm, Metylchavicol, Geranyl acetat.
  • Tác dụng: Chống ho, loãng đờm, cải thiện miễn dịch. Hỗ trợ điều trị các bệnh đường hô hấp như cảm lạnh, ho, viêm phế quản.
  • Theo Đông y Húng quế giúp chữa cảm cúm, nghẹt mũi, sốt, đau đầu. Khi chuyển mùa, sức đề kháng giảm dễ bị cúm, sốt nên nấu bát cháo Húng quế giúp cơ thể nhanh hồi phục khi bị cúm. Dùng nấu nước uống 15 – 20 g hoặc trộn chung vào đĩa rau sống hay nấu thành canh cùng với các loại rau củ khác.

Rau tía tô (tên khoa học Folium perillae fructescentis Họ: Lamiaceae)

(nguồn internet)

  • Trong hạt Tía tô có chứa 40% lượng dầu axit béo chưa bão hòa (axit α-lynoleic). Lá Tía tô chứa 0,2% tinh dầu và các thành phần chính là ceton, adehyde, furan, hydrocacbon,…
  • Chữa cảm ho: lá Tía tô tươi 50g, 3 củ Hành lá tươi thái nhỏ cho vào cháo nóng, ăn lúc còn nóng.
  • Chữa cảm lạnh: một nắm lá Tía tô nấu với nước uống hoặc dùng lá Tía tô với Kinh giới, Hương nhu, lá Sả, lá Tre, lá Bưởi…nấu với nước để xông.
  • Chữa cảm sốt, nhức đầu, ngạt mũi: hạt tía tô 120g, vỏ Quít 8g, Cam thảo nam 10g, Gừng tươi 3 lát sắc với nước uống nóng 1 lần / ngày.
  • Dạng dùng: Lá Tía tô 20g thái nhỏ rồi trộn với cháo trắng gạo tẻ, ăn trong lúc cháo vẫn còn nóng, giúp ra mồ hôi và giải cảm nhanh.
  • Lá Tía tô có tác dụng trị hen suyễn, giúp tăng khả năng lưu thông khí, hỗ trợ điều trị hen, cải thiện chức năng phổi. Các thành phần hóa học trong Tía tô có tác dụng ngăn chặn quá trình sản xuất histamin, làm giảm cytokine, hạn chế tình trạng dị ứng cơ thể và giảm viêm hiệu quả.

Rau kinh giới ( Elsholtzia ciliata ( Thunb.) Hyland, Họ: Lamiaceae (Hoa môi):

  • Trong kinh giới Schizonepeta tenuifoiia có # 1,8% tinh dầu. Chủ yếu là d. menton, một ít d. limonene (đây là thành phần của kinh giới tươi); Nếu sao đen có Menthone, d-menthone, d-limonene…
  • Khi bị cảm sốt: Hoa kinh giới, Tía tô, Hương nhu, Ngải cứu, Hoắc hương, các vị bằng nhau, dùng nước sắc nhiều lần, hợp các nước sắc lại, cô đặc thành cao viên bằng hạt ngô. Khi bị cảm uống chừng 7-8 viên thuốc này. Chữa cảm cúm: Kinh giới tuệ sao vàng tán nhỏ. Khi bị cảm dùng 6-8g bột này. Một số món ăn như Bún, gỏi…thường cho Kinh giới cho tăng thêm hương vị và dễ tiêu hóa.

Rau diếp cá (Tên khoa học: Houttuynia cordata Thunb. Họ: thuộc họ Lá giấp – Saururaceae).

  • Toàn cây Diếp cá có chứa tinh dầu. Mùi tanh là đặc điểm nhận biết dễ thấy của rau diếp cá, chúng thường dùng để ăn kèm bánh xèo, các món gỏi hoặc dùng làm sinh tố đẹp da.

  • Lá Diếp cá có chứa β-sitosterol, alkaloid: Aristolactam B, piperolactam A, Aristolactam A, Norcephara-dione B, cepharadione B, splendidine. Còn chứa hợp chất flavoniod: quercitrin, quercetin-3-O-Beta-D-glucopyrannoside.
  • Hỗ trợ giảm ho và rút ngắn thời gian phục hồi các chứng viêm ở phổi,
  • Cách sử dụng: Diếp cá dùng tươi khoảng 50 – 100g xay hoặc giã nhuyễn, uống ngày 1 – 2 lần sau ăn 30 phút. Hay dạng khô (30 – 50g) nấu nước uống hàng ngày. Bài thuốc Cổ phương Ngư tinh thảo Cát cánh thang (Ngư tinh thảo 40g, Cát cánh 20g sắc uống hoặc tán bột uống).

Rau bạc hà (Mentha arvensis L. Họ: Lamiaceae):

  • Bạc hà có vị the mát, được sử dụng phổ biến để trang trí bánh, đồ uống, rau ăn sống. Hiện nay bạc hà còn được điều chế làm tinh dầu.

  • Bộ phận trên mặt đất, hàm lượng tinh dầu được xác định từ 1 – 3 %, trong đó chủ yếu là menthol, limonen, α, β, cimen, pulegon, methyl acetat, myrcen…
  • Rau Bạc hà có trong một số bài thuốc quý trong việc chữa trị cảm cúm, chữa bụng đầy hơi, nấc cụt, tốt cho tiêu hóa. Tinh dầu bạc hà dùng bôi lên vết cắn côn trùng, làm dịu cơn hen suyễn…Bạc hà giúp làm sạch xoang mũi. 
  • Dùng dạng giọt tinh dầu (3 – 5 giọt) hoặc lá Bạc hà tươi (10 – 15g) pha với nước sôi, xông hơi trực tiếp sẽ giúp làm sạch và thông xoang mũi. Bạc hà còn có tác dụng hỗ trợ điều trị Hen suyễn và các chứng dị ứng do nhiễm trùng nấm.

Tỏi (Allium sativum L. Họ: Alliaceae (họ Hành):

  • Tỏi có 3 hoạt chất chính: allicin, liallyl sulfid và ajoen.

  • Allicin là hoạt chất mạnh và quan trọng nhất. Allicin được tạo ra khi chất alliin tiếp xúc 1 với enzym alliinase khi tỏi được nhai, băm nhỏ hay nghiền nát. Vì vậy không nên để nguyên cả củ tỏi khi xào nấu.
  • 1 kg Tỏi có thể cho ra từ 1 – 2g Allicin. Allicin được xem là chất kháng sinh tự nhiên rất mạnh. Tỏi ức chế sự phát triển của nhiều loại siêu vi như siêu vi trái rạ, bại liệt, cúm và một số loại nấm gây bệnh ở da hoặc bộ phận sinh dục nữ như Candida. Tỏi có chứa hợp chất hữu cơ khoáng chất selenium, một chất chống oxy hoá mạnh làm tăng khả năng bảo vệ màng tế bào, phòng chống ung thư và bệnh tim mạch của Tỏi.
  • Ngoài ra, tỏi tươi còn chứa hàm lượng lớn vitamin A, B, C, D, PP, hydrate carbon, polysaccharide, inulin, fitoxterin và các khoáng chất khác cần thiết cho cơ thể như iốt, canxi, phốt pho, magiê, các nguyên tố vi lượng khác…
  • Phòng – chữa trị cảm cúm và những loại bệnh do virus, vi khuẩn gây ra. Tác dụng này có được là do trong tỏi có chứa hợp chất sulfur – đây là hợp chất rất tốt trong việc kháng khuẩn và tiêu viêm.
  • Chữa sốt do cảm cúm: Tỏi giã vắt lấy nước cốt 10 ml uống. Hoặc mỗi lần dùng 1-2 g Tỏi tươi giã nhuyễn, nấu cháo ăn, có thể kết hợp Hành lá, sẽ tăng tác dụng.

Sả (Tên khoa học: Cymbopogon flexuosus Stapf. Họ: Poaceae)

  • Củ sả chứa rất nhiều tinh dầu, có mùi thơm đặc trưng do các chất citral (65-85%), geraniol 40% ( Võ Văn Chi – 1999), citronellal (32-45%), geraniol (12-18%), citronellol (11-15%) (theo Tài nguyên thực vật có tinh dầu ở Việt Nam). Cây Sả có vị cay, mùi thơm, tính ấm. Dùng tốt cho người bị cảm, đau đầu, đau mỏi cơ – khớp khi cảm cúm. Sả còn giúp dễ tiêu hóa, lợi tiểu, tiết mồ hôi, ổn định đường huyết và cholesterol trong máu.
  • Sả được dùng chữa cảm sốt, đau bụng, đi ngoài, đầy hơi, trướng bụng, nôn mữa. Ngày dùng 8-12g lá và rễ dưới dạng xông hay hãm nước uống.
  • Lá sả nấu nước gội đầu làm sạch gầu, trơn tóc, tránh bệnh về da đầu.
  • Tinh dầu sả, dùng trừ muỗi, khử mùi tanh hôi, dùng xoa ngoài chống cúm phòng bệnh truyền nhiễm.
  • Tinh dầu sả còn dùng trong công nghiệp chất thơm, làm nước hoa, xà phòng thơm…
  • Dạng dùng tươi (xông hoặc uống) hay dạng trà hãm nước sôi uống thay nước.

B. Món ăn có chất xơ và lợi khuẩn (Probiotic):

Chất xơ và lợi khuẩn rất cần thiết cho sức khỏe đường ruột (ruột non và ruột già). Sức đề kháng sẽ tốt khi chức năng hoạt động của đường ruột ổn định, nhờ vào đủ chất xơ và số lượng lợi khuẩn.

Lợi khuẩn:

  • Lợi khuẩn chiếm 85% tổng lượng vi sinh vật (microbiota) sống trong đường ruột. Những loại lợi khuẩn điển hình có thể kể đến là: Lactobacilli, Bifidobacteria, Bacillus clausii… Lactobacilli và Bifidobacteria làm nhiệm vụ tạo ra hàng rào bảo vệ ruột, thúc đẩy đáp ứng miễn dịch dịch thể, giúp cải thiện sức đề kháng,
  • Lợi khuẩn giúp tạo vitamin B, hỗ trợ tiêu hóa và hấp thu dưỡng chất, ngăn ngừa tình trạng nhiễm khuẩn, kiểm soát sự phát triển của vi khuẩn có hại, thanh lọc cơ thể, góp phần phòng hội chứng chuyển hóa, bệnh tiểu đường, giảm các bệnh lý dị ứng.
  • Lợi khuẩn có trong các thức ăn lên men: Kim chi, cải ngâm chua (cần đúng quy cách tránh nhiễm khuẩn), Yoghurt, Sauer kraut, Kombucha, Natto…

Chất xơ:

Cả 2 loại chất xơ tan và không tan đều cần thiết cho sức khỏe đường ruột.

  • Chất xơ không tan là thức ăn của Lợi khuẩn trong đường ruột để tạo ra các acid béo chuỗi ngắn (SCFA, Short Chain Fatty Acids) có tác dụng chống viêm, bảo vệ niêm mạc ruột, giúp tế bào miễn dịch ở ruột sản sinh ra yếu tố miễn dịch chống nhiễm trùng.
  • Chất xơ có trong các loại Hạt, ngũ cốc, rau củ và trái cây.

C. Cách ăn có lợi cho sức đề kháng:

  • Khẩu phần ăn rau – củ, các loại hạt – ngũ cốc, trái cây, nhiều hơn thịt động vật (chọn cá, gia cầm nhiều hơn bò heo),
  • Chế biến đơn giản ít gia vị.  Hạn chế các món nướng, chiên xào, ram, rô ti, quay…
  • Ăn trái cây đa dạng, ưu tiên nhóm cam quýt bưởi (vì có nhiều vitamin C), mùa nào chọn rau trái mùa nấy, nên đa dạng màu sắc, điều quan trọng là ăn trái cây trước khi ăn món chính.
  • Không nấu rau quá chín, vì mất hết vitamin và sinh chất (phytochemical)
  1. Bên cạnh cách ăn khoa học, cần kết hợp:
  • Duy trì cân nặng hợp lý, tránh thiếu vận động (sedentary lifestyle),
  • Không làm tổn hại sức đề kháng bằng các loại thức ăn sau đây:
    1. Thực phẩm chế biến sẵn, đóng gói, vì có nhiều muối, bơ, chất bảo quản.
    2. Nêm quá nhiều muối (nên dưới 5g Nacl/ngày), bột nêm, bột ngọt, đường tinh luyện (đường cát trắng, đường phèn…),
    3. Dầu thực vật đun quá sôi và sử dụng lại nhiều lần,
    4. Các loại nước trái cây ở dạng bột, có gaz và có nhiều đường.
  • Duy trì tập thể dục, thiền định, và ngủ đủ giấc sẽ tăng cường hệ miễn dịch.
  • Giữ vệ sinh cá nhân, giãn cách xã hội, hạn chế chỗ đông người, mang khẩu trang*.

Lời kết:

“Phòng bệnh luôn tốt hơn chữa bệnh”, thực hiện duy trì sức đề kháng tốt là yếu tố then chốt trong phòng chống dịch bệnh. Cách tốt nhất là thực hiện cách ăn uống lành mạnh, lối sống khoa học, nhằm duy trì đủ nguồn enzyme thiết yếu và số lượng lợi khuẩn trong đường ruột. Đặc biệt, cần bảo vệ sự lành lặn của niêm mạc ống tiêu hóa từ khoang miệng đến đại – trực tràng. Vì sức khỏe Hệ tiêu hóa nói chung và ống tiêu hóa nói riêng, có liên quan mật thiết đến tâm thần kinh ổn định và một cơ thể khỏe mạnh.

*Để ngăn chặn nhiễm và lây lan COVID-19 cần nghiêm chỉnh thực hiện:

  • Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước hoặc dung dịch rửa tay chứa cồn,
  • Giữ khoảng cách an toàn với những người đang ho hoặc hắt hơi,
  • Mang khẩu trang,
  • Không chạm vào mắt, mũi hoặc miệng.
  • Khi ho hoặc hắt hơi, hãy dùng khăn giấy hoặc gập khuỷu tay lại để che mũi và miệng,
  • Hạn chế ra ngoài khi bạn cảm thấy không khỏe.
  • Đến cơ sở y tế thích hợp khám nếu bạn bị sốt, ho, mất mùi, mất vị giác và khó thở.