Rượu Thuốc Tăng Cường Sinh Lực

“RƯỢU THUỐC” LIỆU CÓ GIÚP CẢI THIỆN GÌ CHO “CHUYỆN ẤY”

Bs. Trần Văn Năm

“Chuyện ấy” thường được nhiều người nói nhỏ, không dám nói lớn. Dù nói nhỏ, nhưng đây là “chuyện không nhỏ” nếu không muốn nói là “chuyện lớn”. Tần suất tăng ở nam giới sau 50 tuổi, mặc dù hiện nay, không ít người trẻ vẫn mắc phải. Vì “chuyện ấy” suy yếu sẽ ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sống của một người có tình trạng tâm – sinh lý bình thường.

(H. minh họa, nguồn internet)

  1. Tại sao “chuyện ấy” suy yếu và cần cải thiện:
  • Khi mà trên bảo dưới không nghe hay chưa tới chợ đã tiêu hết tiền… nói cách khác, đây là tình trạng không còn ham muốn và/ hoặc “cậu nhỏ” (dương vật, DV) không đủ hay không thể duy trì được độ cương cứng để thực hiện hành vi giao hợp, và dĩ nhiên phía “đối tác” sẽ không vui. Hình thức khác của “chuyện ấy” không ổn, dù ít phổ biến hơn như: khó xuất tinh, không đạt cực khoái. Chuyên ngành nam học gọi là bất lực, hay chính xác hơn là chứng rối loạn dương cương (erectile dysfunction, ED).
  • Nguyên nhân có nhiều, nhưng chủ yếu do giảm lượng máu bơm vào, nên DV không thể cương cứng. Lượng máu này bình thường đến DV tăng khi có ham muốn và/hoặc sờ chạm. Khi bị kích thích, cơ của DV thư giãn ra nên dòng máu lắp đầy thể hang của DV, và DV sẽ cứng lên. Do đó, bất cứ nguyên nhân nào mà mạch máu DV không nhận đủ lượng máu cần thiết sẽ gây chứng ED.
  • ED không chỉ do giảm Testosterone: dù testosterone đủ nhưng thiếu lượng máu đến nuôi dương vật, đặc biệt người có bệnh nền như: tăng huyết áp, tiểu đường, xơ mỡ động mạch, béo phì, suy tim, chấn thương tủy sống, bệnh Đa xơ cứng, đau mạn tính, ngoài ra trạng thái tâm lý như trầm cảm, rối loạn lo âu, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng cương của DV. Tuy có phụ thuộc vào Testosterone, nhưng mối liên hệ giữa ED và testosterone phức tạp và chưa hiểu đầy đủ. Một số người có độ cương tốt nhưng Testosterone máu thấp dưới mức bình thường và ngược lại.
  1. Rượu hay “Rượu thuốc” lợi bất cập hại:

Nhiều khảo sát cho thấy uống một lượng nhỏ rượu có lợi nhất thời như: thúc đẩy tuần hoàn, tâm trạng hưng phấn, cải thiện tim mạch, giảm một phần nguy cơ nhồi máu não, hạn chế rối lọan chuyển hóa…Tuy nhiên, ranh giới giữa nồng độ cồn trong máu có lợi và có hại khó xác định tùy theo cơ địa của mỗi người. “Rượu thuốc” có thêm các hợp chất có tác dụng sinh học từ dược liệu như: alkaloid, saponin, flavonoid, glycoside, terpenoid…có tác dụng cải thiện các chức năng (cả tình dục) hoạt động của cơ thể. Nhưng xem ra, tác hại của rượu nhiều hơn lợi, nếu uống liều cao và kéo dài, đặc biệt đối tượng người cao tuổi hoặc trẻ em. Rượu có độ cồn càng cao, càng ảnh hưởng xấu đến cơ thể, nếu rượu có khoảng 20 độ cồn sẽ gây ức chế tiết dịch vị, cản trở hấp thu thức ăn của ruột; Rượu trên 40 độ cồn sẽ phá hủy lớp tế bào tiết chất nhầy bảo vệ niêm mạc của dạ dày và ruột…Trong cơ thể, rượu được hấp thu nhanh vào máu và đến tim, phổi, não, thận…95% lượng rượu được chuyển hóa tại gan. Người uống nhiều rượu sẽ bị gan nhiễm mỡ, xơ gan, ung thư gan (đặc biệt có tiền căn bị viêm gan siêu vi), một số ung khác (tụy, miệng, thực quản)… Nồng độ cồn trong máu dưới 50mg/100ml có tác dụng an thần nhẹ, nồng độ cồn trong máu từ 150-200mg/100ml, cơ thể bắt đầu bị nhiễm độc rượu, từ 300-400mg/100ml gây hôn mê, và khi cồn máu trên 400mg/100ml có thể gây tử vong. Nguy hiểm là trên thị trường hiện có nhiều loại rượu chế từ cồn công nghiệp như methanol (rượu methylic), ethylen glycol,…gây ngộ độc: toan chuyển hóa, suy thận, suy gan cấp. Ngoài ra còn tác hại đến trật tự xã hội: tai nạn, xung đột, đánh nhau…

  1. Bài thuốc – Cây thuốc được dùng làm “Rượu thuốc”:

Một số cây thuốc thường dùng để chế biến làm “rượu thuốc”, có loại được nghiên cứu kỹ, có loại chỉ dựa trên kinh nghiệm cần khảo sát thêm. Các cây – con thuốc thường có mặt trong một chế phẩm “rượu thuốc”:

(H. minh họa, nguồn internet)

  • Ba kích (Morinda officinalis How): tăng đề kháng, tăng dẻo dai, không có tác dụng kiểu Androgen,
  • Nhục thung dung (Herba cistanches.): ổn định huyết áp, điều tiết hoạt động tuyến thượng thận, tăng thể lực…
  • Cẩu tích (Cibotium barometz L. J. Sm.): chữa đau lưng, xương khớp, mệt mỏi…
  • Câu kỷ tử ( Lycium chinense Mill.): Câu kỷ tử được coi là vị thuốc bổ toàn thân, dùng khi cơ thể suy nhược, mệt mỏi, lưng gối mỏi đau, hoa mắt, thị lực giảm, di tinh, đái đường.
  • Sâm cau (Curculigo orchioides Gaertn.): tác dụng ổn định huyết áp, đau mỏi, tiêu chảy kéo dài, suy giảm tình dục. Rễ sâm cau thử nghiệm dưới dạng cao cồn có hoạt tính làm tăng khả năng thích nghi, chống viêm, an thần, có hoạt tính hormon sinh dục nam, và kích thích miễn dịch.
  • Cây Mật nhân (Bá bệnh, Tongkat Ali, Eurycoma longifolia Jack): có tác dụng tăng hưng phấn tình dục và cải thiện lượng Testosterone trong huyết thanh. Thân và rễ Bách bệnh làm tăng lượng nội tiết tố nam trong huyết thanh động vật, rễ làm tăng nội tiết tố nam nhiều hơn thân cây.
  • Nhân sâm (Panax ginseng C. A. Mey.): ổn định thần kinh, tăng sức đề kháng, điều nội tiết tố, tăng thể lực, ổn định lipid máu, đường máu…
  • Hải sâm (Đĩa biển, Stichopus japonicus Selenka): chủ yếu dùng làm thực phẩm cao cấp bồi dưỡng. Tính chất bổ sung năng lực không kém Nhân sâm do đó có tên Sâm bể (hải sâm).
  • Hải mã (Hippocampus spp.): tác dụng tiêu viêm, kháng khuẩn, đạt hiệu quả cao trong việc chống lão hóa, hoạt chất DHA: Tăng cường sức khỏe sinh dục, giúp ổn định hệ thần kinh, tăng cường hệ miễn dịch,…
  • Rắn, Tắc kè, cao xương động vật…
  • Rất nhiều bài thuốc “Bổ thận” được phổ biến: Minh mạng thang, Hữu quy hoàn, Thập toàn đại bổ…

Thật không sai khi nói rằng dù cho là rượu hay “rượu thuốc”, một ít thì “bổ” nhưng nhiều sẽ “khổ”. Không ít người sử dụng “rượu thuốc” không đúng nên “khổ” nhiều hơn “bổ”: chẳng hạn, mỗi tối uống 10 – 15 ml, không thấy hiệu quả tốt, nên tăng liều dần và dùng kéo dài cuối cùng “chuyện ấy” không cải thiện lại mất thêm tiền để giải quyết các tác hại do rượu gây ra.

Top of Form

Giải pháp nào hiệu quả và an toàn giúp cải thiện “chuyện ấy”:

Nếu sử dụng “Rượu thuốc” hay liệu pháp Testosterone thay thế, hay thuốc ức chế PDE-5 như: avanafil (Stendra), sildenafil (Viagra), tadalafil (Cialis), vardenafil (Levitra), Alprostadil (Caverject, Edex, MUSE) hoặc dụng cụ, phẫu thuật…cũng chỉ là giải pháp tạm thời và không thể có kết quả bền vững.

Chúng ta biết rằng, cơ thể là một khối thống nhất giữa con người với môi trường và giữa các cơ quan nội tạng trong cơ thể có mối liên không thể tách rời, hỗ trợ nhau. Hành vi tình dục cũng chỉ là một mặt hoạt động của cơ thể, chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố: thể lực, lối sống, tâm – thần kinh, tuổi tác, bệnh nền, thuốc uống, hệ xương khớp khỏe (cột sống)…nếu chỉ dựa vào vài ly “rượu bổ” thì làm sao có thể tốt cho “chuyện ấy”. Dưới đây là lời khuyên từ các chuyên gia trong “chuyện ấy”, rất cần tham khảo và thực hiện:

  • Lối sống khoa học: không hút thuốc lá, hạn chế rượu – bia và chất gây nghiện, cân bằng trong làm việc – nghỉ ngơi, kiểm soát stress, duy trì cân nặng lý tưởng (không quá gầy hoặc thừa cân).
  • Ăn uống lành mạnh: mục đích nhằm giữ sức khỏe Hệ tiêu hóa hoạt động tốt. Nên uống đủ nước sạch, hạn chế thức ăn – nước uống chế biến sẵn, đồ đóng hộp (gói); ít ăn đường tinh chế và chất béo bão hòa – chuyển dạng (mỡ động vật, dầu đun quá sôi); giảm thịt động vật; tăng cường rau – củ – Trái cây tươi, đa dạng màu sắc như: rau có lá màu xanh đậm, Tỏi, Nghệ, Gừng, Hẹ, trái cây Họ Cam quýt vì chứa nhiều chất xơ, vitamin, phytochemical, chất chống oxy hóa, sẽ tốt cho tuần hoàn máu toàn thân (cả bộ phận sinh dục) thông qua kích thích tế bào sản sinh nitric oxide (NO) tốt cho nội mạc mạch máu.
  • Tập thể dục: vừa sức, đều đặn. Chú ý tập luyện cho cả Tâm (kiểm soát stress) và Thân (sinh lực đầy đủ, sức khỏe cột sống – khớp tốt).
  • Bảo tồn nguồn enzyme (Men) của cơ thể: bổ sung lợi khuẩn (Probiotic), làm sạch ruột già hàng ngày giúp thanh lọc cơ thể, giảm gốc tự do trong máu.
  • Chữa trị tích cực: các bệnh (phần đầu bài viết) có ảnh hưởng xấu đến thần kinh – tuần hoàn DV. Ưu tiên các biện pháp không dùng thuốc, khi buộc phải dùng thuốc nên chọn “Toa thuốc” từ vị thầy thuốc có kinh nghiệm.

Lời kết:

“Chuyện ấy” chỉ là một trong nhiều chức năng sống còn của cơ thể, “Chuyện ấy” chỉ cải thiện khi sức khỏe tổng thể và sinh lực được đầy đủ, tràn đầy. “Chuyện ấy” dù cần thiết, nhưng không được quá phung phí, sài xả láng. Nên nhớ 2 câu nói của Thiền sư Tuệ Tĩnh*, để “chuyện ấy” không còn làm phiền lòng của bản thân và “đối tác”:

“Giữ tinh, dưỡng khí, tồn thần

Thanh tâm, quả dục, thủ chân, luyện hình”

*[Tuệ Tĩnh Thiền sư (1330 – 1400) tên là Nguyễn Bá Tĩnh, tự Linh Đàm, hiệu Tráng Tử Vô Dật, một Danh y nổi tiếng sống vào cuối thời Trần. Ông người làng Nghĩa Phú, Tổng Văn Thái, Huyện Cẩm Giàng, Phủ Thượng Hồng (nay thuộc Tỉnh Hải Dương)].

Tài liệu tham khảo: