Tâm sự nhân ngày Thầy thuốc 27/2


NÓI GÌ NHÂN NGÀY THẦY THUỐC

Bs. Trần Văn Năm


Nhân ngày thầy thuốc, khi nhận được lời chúc mừng, cảm ơn của bạn bè, người thân, và đặc biệt là của người bệnh. Suy cho cùng, bản thân tự nhủ: nếu không có người bệnh, đặc biệt những người chẳng may mắc bệnh hiểm nghèo, làm gì có được người thầy thuốc giỏi.

Xã hội Việt Nam, có tổ chức ngày vinh danh những người làm nghề thuốc, thiết nghĩ trong tâm những người thầy thuốc cũng nên có “ngày người bệnh” để thầm cám ơn tất cả những người đã không may mắn, thiếu điều kiện hay vì lý do nào đó nên không có được sức khoẻ tốt mà qua đó thầy thuốc có dịp nghiên cứu, tìm tòi cách chữa trị và nâng cao trình độ, tay nghề của mình để trở thành thầy thuốc “ưu tú”, “nhân dân”.

Vì thế, không có lý do gì để những người thầy thuốc chúng ta lại không tôn trọng, không chia sẻ, hay xem thường người bệnh… tỏ thái độ ban ơn, hống hách, kiêu ngạo…Thiết nghĩ, xã hội sẽ thật sự mang ơn, tôn vinh những ai cống hiến được gì cho xã hội, cho cộng đồng. Ngược lại, những ai mưu cầu bổng lộc, danh lợi trên sức khoẻ của người bệnh sẽ là những người không xứng đáng được vinh danh và nên tự xấu hổ trước hết với bản thân mình và vị trí mà xã hội đã phân công.

Để xứng đáng với nghề cao quý mà mình đã “trót” chọn lựa, chúng ta, những người đang khoát trên mình chiếc blouse trắng, phải luôn rèn luyện, không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, đạo đức ngành y mà xã hội đã phân công: Hải Thượng Lãn Ông (Ông tổ nền y dược cổ truyền Việt Nam) tâm niệm rằng:

“Đạo làm thuốc là một nhân thuật, chuyên lo tính mạng con người, lấy việc cứu người làm nhiệm vụ, không mưu lợi kể công”, “nghề y lấy con người làm gốc, mục tiêu là con người, nên toàn tâm toàn ý chăm sóc sức khoẻ con người, mỗi người bệnh cũng là người ân vì đã cung cấp cho ta một thực tế sống, một bài học cụ thể hơn là lý thuyết từ sách vở”