TẬP THỂ DỤC TRỊ TIỂU SÓN, GẤP HAY KHÔNG TỰ CHỦ

TẬP THỂ DỤC TRỊ
TIỂU SÓN, GẤP HAY KHÔNG TỰ CHỦ
Bs. Trần Văn Năm

Tiểu, tiêu són hay không tự chủ là nhóm triệu chứng không nguy hiểm nhưng gây trở ngại trong sinh hoạt hằng ngày và ảnh hưởng rất nhiều đến chất lương sống. Bệnh xảy ra ở cả nam và nữ, tuy nhiên, nữ có tỉ lệ mắc nhiều hơn nam giới.

NGUYÊN NHÂN GÂY TIÊU, TIỂU GẤP HOẶC SÓN:

Đa số do suy yếu trương lực cơ sàn chậu, ngược lại, số ít người có thể do cơ sàn chậu co thắt thái quá.

Yếu tố thuận lợi: mang thai, sanh con nhiều lần, phẫu thuật vùng khung chậu, tuổi cao, thừa cân – béo phì.

BIỂU HIỆN SUY YẾU TRƯƠNG LỰC CƠ SÀN CHẬU:

Rỉ nước tiểu khi hắt hơi, ho, cười, hay gắng sức nâng vật nặng,
Tiểu gấp, không thể giữ nước tiểu được lâu (mắc tiểu là phải đi ngay),
Tiêu són, hoặc đánh hơi không kìm được,
Đôi khi sa âm đạo, trực tràng,
Đau vùng khung chậu, giao hợp đau…

PHƯƠNG PHÁP TẬP (KEGEL EXERCISE) GIÚP TĂNG TRƯƠNG LỰC CƠ SÀN CHẬU:

CHUẨN BỊ:
Làm trống bàng quang (bọng đáy) hay đại tràng (ruột già): đi tiêu hay tiểu trước khi bắt đầu tập,
Hít vào thật sâu và thở hết hơi ra bằng mũi hay miệng, nín thở lại,
Co thắt thật chặt cơ sàn chậu (động tác nín tiêu hoặc tiểu) đếm từ 1 đến 10,
Hít vào và thở ra tự nhiên đồng thời thả lỏng cơ sàn chậu, đếm từ 1 đến 10,
Điều cần lưu ý là trong lúc tập cơ sàn chậu cần phải thả lỏng các nhóm cơ khác như: cơ bụng, đùi, mông và ngực.
Thực hiện 10 lần liên tiếp cho mỗi lần tập, mỗi ngày tập từ 3 – 5 lần, chia đều trong ngày.
Bạn có thể tập mọi nơi và bất cứ lúc nào khi có thời gian, có thể tập cả tư thế nằm và ngồi trên ghế tựa. Kết quả sẽ đạt được sau 4 – 6 tuần, tuy nhiên có thể mất khoảng 3 tháng để có hiệu quả tốt nhất.

CẦN LƯU Ý:
Phải kiên trì, tập đều đặn, không nôn nóng tập quá sức sẽ gây xấu đi tình trạng tiểu gấp, tiểu són hiện có vì cơ bị quá tải.
Tập thả lỏng cũng quan trọng như co thắt cơ sàn chậu để điều hoà trương lực cơ này,
Để tăng hiệu quả cần tập trung ý muốn mong hết bệnh (tự kỷ ám thị)  trong khi tập, tránh phân tán tư tưởng (“ý” đến đâu “khí” sẽ đến đó).
Đối với những trường hợp bệnh nặng, hoặc người bệnh không thể tập được, có thể kết hợp Châm cứu, thuốc, hay phẫu thuật.