“TẨU HỎA NHẬP MA” KHI TẬP KHÍ CÔNG
Bs. Trần Văn Năm
“Tẩu Hỏa Nhập Ma, THNM” không chỉ có trong truyện kiếm hiệp (như truyện của Tác giả Kim Dung). Trong cuộc sống hiện nay không ít trường hợp sau khi “luyện công” để tăng cường sức khỏe, lại bị những biểu hiện rối loạn tâm – thần kinh mà trước đây chưa từng có, tạm gọi là chứng “THNM”. Dù chưa có trong Danh sách phân loại một số Rối loạn tâm thần và hành vi theo ICD 10, “THNM” được biết là Chứng rối loạn tâm – thần kinh khi tập khí công sai kỹ thuật.
- Tại Trung Quốc, “THNM” gọi là rối loạn khí công, ám chỉ các rối loạn tâm – thần kinh, xảy ra trong hoặc sau khi luyện khí công, luyện thở, Thiền định, thôi miên…
- Ở phương Tây, hiện nay cũng đã ghi hiện tượng rối loạn tâm – thần kinh ở một số người tập Khí công gọi là: “phản ứng loạn thần khí công”. Hội chứng Kundalini cũng được đề cập, có liên quan đến mất cân bằng “năng lượng” (hay Qi của các Chakra trong cơ thể khi thực hành Thiền, Yoga…
- Biểu hiện của “THNM”:
Tùy theo mức độ và thời gian luyện tập sai, mỗi người có thể bị ảnh hưởng khác nhau:
-
- Tự cảm nhận (triệu chứng chủ quan): có dấu hiệu Tâm – Thần kinh và Thể chất:
- Triệu chứng tâm thần – kinh: căng nặng đầu, không thoải mái, bồn chồn, khó tập trung, rối loạn cảm xúc, ảo giác, hoang tưởng, mất ngủ hoặc ngủ nhiều, giảm trí nhớ,…
- Triệu chứng thể chất: hồi hộp, đau ngực, tăng tiết mồ hôi, đau mỏi các cơ, dị cảm, tê rần giống như điện lan tỏa khắp cơ thể, đầy bụng, chậm tiêu, rối loạn tiêu hóa…
(H. minh họa Rối loạn lo âu)
-
- Thầy thuốc phát hiện (triệu chứng khách quan):
- Huyết áp không ổn định, khoảng cách 2 chỉ số huyết áp hẹp (huyết áp kẹp),
- Nhịp tim nhanh, chậm, hoặc không đều, SpO2 thấp…
- Ấn đau thượng vị hay xương ức.
- Tại sao bị “THNM”:
Người tập Khí công (Thiền, Yoga) khi dùng hơi thở sâu nhằm tập trung ý chí, dẫn khí đến nơi cần thiết trong cơ thể theo ý định của người tập. Tuy nhiên, do cơ địa thần kinh dễ mất cân bằng, nôn nóng, tự tập hoặc người hướng dẫn không giải thích cặn kẽ, nên vô tình gây tăng áp lực trong lồng ngực sau khi hít vào sâu lại đóng thanh quản* và hậu quả là: cản trở máu về tim, giảm trao đổi oxy và CO2, tăng gánh nặng cho tim, tế bào cơ thể thiếu oxy (đặc biệt là Não).
H. minh họa Thanh quản đóng và mở (nguồn internet)
Sau vài tuần tập, chắc chắn Chứng “THNM” sẽ xuất hiện (ít hay nhiều tùy đáp ứng của mỗi người), ngành võ thuật cho rằng “kinh mạch bị bế tắc” “khí huyết đảo nghịch” gây ra “hoảng loạn, điên cuồng”, điển hình là nhân vật Âu Dương Phong (truyện của Tác giả Kim Dung): rối loạn nhận thức, đi bằng 2 tay…
- Làm gì khi bị “THNM”:
Trước hết cần chẩn đoán loại trừ có bệnh thực thể gì khác đi kèm, nếu nghỉ nhiều đến “THNM” do tập sai kỹ thuật, cần thực hiện các bước sau:
- Nên tạm dừng tập và kiểm tra lại cách thực hiện thở sâu, thở bụng, dẫn khí… có bị đóng thanh quản sau khi hít vào không?
- Nếu không chắc, nên tìm một thầy thuốc hoặc Chuyên viên tập khí công, dưỡng sinh sẽ hướng dẫn lại đúng kỹ thuật.
- Thực hiện thư giãn, tự massage hoặc nếu nặng hơn, nên tìm thầy thuốc sẽ tư vấn tâm lý, châm cứu, bấm huyệt…phối hợp.
Lời kết:
Tập thở sâu trong Khí công, Dưỡng sinh, Yoga, Thiền định…rất tốt cho sức khỏe, đặc biệt trong phòng và trị bệnh mạn tính. Tuy nhiên, cần tập đúng kỹ thuật và đôi khi cần sự hướng dẫn những người có kinh nghiệm, nếu không muốn trở thành nhân vật “Âu Dương Phong”.
*Đóng thanh quản: đóng thanh quản sau khi thở ra không gây tác hại như đóng thanh quản sau khi hít vào. Thường chúng ta phải đóng thanh quản khi phải: khuân nhấc vật nặng, rặn sanh, tiêu bón, tiểu khó…biểu hiện là mặt đỏ, tĩnh mạch cảnh nông phồng to…