THẬN TRỌNG KHI SỬ DỤNG THUỐC

SỬ DỤNG THUỐC CẦN CÓ CHỈ ĐỊNH CỦA THẦY THUỐC

Bs. Trần Văn Năm

Hiện nay, tỉ lệ người bị hội chứng trào ngược dạ dày thực quản, rối loạn tiêu hoá ngày càng cao trong cộng đồng và nhóm thuốc được sử dụng điều trị phổ biến là thuốc ức chế bơm proton (Proton Pump inhibitors =PPIs):



Tên gốc
Tên thương mại
Dexlansoprazole
Dexilant
Esomeprazole
Nexium
Lansoprazole
Prevacid
Omeprazole
Prilosec, Zegerid
Pantoprazole
Protonix
Rabeprazole
Aciphex

Vì dễ mua và bán không cần kê toa, nên sau khi được điều trị (có chỉ định của thầy thuốc hoặc tự ý) bệnh đường tiêu hoá có hiệu quả, nhiều người có khuynh hướng tự mua thuốc uống tiếp tục mà không cần đến gặp bác sĩ. Tuy nhiên, đây là việc làm không nên vì khi uống nhóm thuốc này kéo dài cần lưu ý một số tác dụng không mong muốn gây ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ người bệnh:

– Một số phản ứng phụ thoáng qua: đau đầu, tiêu chảy, táo bón, đau bụng, đầy hơi, buồn nôn và ngứa…

– Qua quan sát một số lớn người bệnh đường tiêu hoá có sử dụng Omeprazole kéo dài gây giảm mật độ khoáng của xương và gia tăng tỉ lệ gãy xương cổ tay, cổ xương đùi, và cột sống.

– Thuốc PPPIs còn gây tăng biến cố bệnh tim mạch, tương tác thuốc, thiếu sắt, thiếu Magnesium, nhiễm khuẩn đường tiêu hoá.

– Giảm 50% tác dụng chống kết tập tiểu cầu của Clopidogrel (Plavix).

– Tăng nồng độ các thuốc sau đây khi uống cùng một lúc với omeprazole như: valium (thuốc ngủ), Phenytoin (thuốc chống động kinh), warfarin (thuốc chống đông máu), Methotrexate (một loại thuốc dùng điều trị một số loại ung thư, viêm đa khớp dạng thấp (PCE), một số bệnh tự miễn dịch…nhận thấy rằng nồng độ thuốc Methotrexate tăng cao trong máu và dễ gây ngộ độc) [thông tin từ FDA].

Do đó, việc dùng bất kỳ một loại thuốc trị bệnh kéo dài nên tham khảo ý kiến của thầy thuốc, không nên tự ý uống thuốc uống mà không thông qua bác sĩ thì dễ gây phản ứng có hại của thuốc.