VỊ THUỐC MANG TÊN “DƯƠNG”

CÂY – CON THUỐC MANG TÊN “DƯƠNG” HOẶC “MÙI”
Bs. Trần Văn Năm

Nhân Năm Ất mùi (năm con Dê) 2015, xin viết lại một số dược liệu mang tên “Dương”  hoặc “Mùi”. Con Dê không xa lạ với cuộc sống hằng ngày của người dân từ thành thị đến nông thôn vì trên nhiều con đường chúng ta vẫn thường thấy “Lẫu Dê, Dê 7 món…”. Trong văn hoá Á đông, con Dê biểu hiện sự may mắn, nhanh nhẹn và tài lộc.

Trong y học, ngoài các bộ phận của con Dê đặc biệt là Dê núi (Sơn dương) được dùng hỗ trợ điều trị một số loại bệnh lý, còn có các cây thuốc mang tên Mùi hay Dương được sử dụng riêng hay phối hợp trong một số bài thuốc. Phổ biến nhất là các loại cây thuốc sau:

1. Dâm dương hoắc (DDH):


Tên khác là Tiên linh tỳ; tên tiếng hoa là Yin Yang huo; tên khoa học: Herba Epimedii, họ hoàng liên gai (Berberidaceae).

Tương truyền, cây này sau khi được người dân cho dê đực ăn thì khả năng giao phối tăng rất nhiều lần trong ngày nên được đặt tên là Dâm dương hoắc (có thể hiểu: dâm: libido, dương: phái nam, hoắc: rất). Ở Việt Nam, Dâm dương hoắc có nhiều ở vùng núi cao giáp ranh với Trung Quốc, đặc biệt ở Sapa.

Thành phần hoá học: chứa chất icariin, Benzen, acid linoleic, tannin, acid oleic, vitamin E, acid palmitic, flavonoids, sterols.

Tác dụng: từ lâu người Trung Quốc sử dụng DDH làm thuốc chống căng thẳng và mệt mỏi cho nam giới với liều dùng khá cao 100 – 200g nước sắc (liều thường dùng ở Việt Nam: 10 – 20g). Dịch chiết DDH còn có tác dụng gây hưng phấn khả năng tình dục.

Tính vị và quy kinh: cay, ngọt, tính bình (Dược tính luận) vào 2 kinh can và thận (Trấn an bản thảo, Trung dược học). Theo YDCT, DDH có tác dụng tăng cường sinh lực nam, trị đau cơ – khớp liên quan đến yếu tố thấp; Theo sách Bản kinh: “chủ âm nuy tuyệt thương, cân trung thống, lợi thấp, ích khí lực, cường chí”; Sách Nhật hoa tử bản thảo: “trị phong lãnh lão khí, bổ yêu tất cường tâm lực, trượng phu tuyệt dương bất khởi, nữ nhân tuyệt âm vô tử, gân cốt rung giật, chân tay tê dại”.

Tác dụng dược lý: DDH có tính kháng oxy hoá mạnh (anti-oxidative properties), sử dụng có lợi trong trong điều trị bệnh tim mạch và loãng xương, (Sze SC, Tong Y, Ng TB, Cheng CL, Cheung HP), cải thiện chức năng tình dục và hệ thần kinh. Hiệu quả này được tìm thấy có liên quan đến khả năng chống oxy hoá mạnh và do thành phần flavonoid của nó với chất icarrin là hoạt chất chính cùng với polysaccharides và Vitamin C. Những thành phần này được chứng minh có hiệu quả chống stress oxy hoá liên quan với các bệnh lý tim mạch, Alzheimer và viêm) ở các mô hình chuột thử nghiệm. Tính kháng oxy hoá mạnh của DDH được tìm thấy có liên hệ với tác dụng tăng cường hiệu lực của các enzyme bẩy gốc tự do nội sinh như catalase và glutathione peroxidase và khả năng chuyển electron vốn có của các flavonoid (PMID: 21060294, PubMed – indexed for MEDLINE).

Công dụng: DDH trị rối loạn dương cương, hiếm muộn, viêm khớp dạng thấp, liệt ½ người, tăng cường sinh lực cho người suy nhược hoặc sau bệnh nặng. Còn dùng cho các trường hợp “thận” dương hư, lạnh tay chân lạnh, đau lưng, mỏi gối,…

2. Mùi tàu: 

Tên khác: Ngò gai, ngò tàu, tên latin: Eryngium foetidum L. Họ Hoa tán (Apiaceae), một trong các loại cây rau làm thuốc rất thông dụng.

Bộ phận dùng: toàn cây tươi hay khô.

Thành phần hóa học: toàn cây chứa tinh dầu với thành phần chính là: 2-dodecen-1al (The Wealth of India III, 1952), alcol fenchylic (theo Trung dược từ hải II, 1996).

Tính vị và tác dụng: vị cay, đắng, tính ôn, tác dụng: kích thích tiêu hoá, chống đầy bụng, khó tiêu, chống dị ứng, kháng virus.

Công dụng: sử dụng vừa làm rau vừa làm thuốc kích thích tiêu hoá, chống dị ứng, nhiễm virus mũi họng.

Liều dùng: từ 12 – 20 g/ngày.

3. Mùi tây:

 Tên khoa học: Petroselinum crispum (Mill.) Nyman ex Airy – Shaw. Họ Hoa tán (Apiaceae).

Bộ phận dùng: Lá, rễ và hạt.

Thành phần: mùi của Ngò tây do chất 1,3,8-p-menthatrien. Hạt Mùi tây chứa tinh dầu, apiosid (heterosid flavonoid); Lá Mùi tây chứa chủ yếu chất nyristicin.

Tính vị: đắng, chát có mùi thơm kích thích thần kinh, tiêu hoá, khai vị, giải độc.

Tác dụng: vừa làm rau vừa là dược liệu, tăng khả năng tiêu hoá, giúp ngon miệng, thanh lọc cơ thể.

4. Cây Dương đề thảo:

Tên khác: Rau má lá rau muống (Emilia sonchifolia (L.) DC. Họ Asteraceae, Cúc.

Bộ phận dùng: cả cây thu hái quanh năm, bỏ rễ, rửa sạch, hơi hoặc sấy khô, sử dụng dần.

Thành phần hoá học: chứa stearin, glucosid, và ít alkaloid (Võ Văn Chi – 1999).

Tính vị và tác dụng: vị đắng, tính mát vào 2 kinh Tâm – Can, có tác dụng hạ nhiệt, giải độc, tiêu viêm, lợi thuỷ.

Liều dùng: 12 – 20 g dạng thuốc sắc hoặc xay tươi để uống.

5. Cây Dương giác ảo:

 Tên khác: Cây Sừng dê, sừng bò, Strophanthus divaricatus (Lour.) Hook. Et Arn. Họ: trúc đào (Apocynaceae).

Thành phần hoá học: hạt chứa 9 – 11% glycoside tim, 37% là chất béo. Theo Viện dược liệu (1963) trong hạt Sừng dê có một bột kết tinh trắng gồm 3 chất, chủ yếu là divaricosid. HỖn hợp này được gọi là D.strophantin hay divarin.

Công dụng: D.strophantin trước được dùng tăng cường chức năng co bóp của cơ tim.

6. Cây Dương lê:

 Tên khác: Sim, Hồng sim, Rhodomyrtus tomentosa (Ait.) HassK. Họ: Sim (Myrtaceae).

Bộ phận dùng: lá, quả và rễ.

Thành phần hoá học: Quả: chứa flavon-glucosid, malvidin-3 glucosid, các hợp chất phenol, các acid amin, đường và acid hữu cơ. Thân và lá: có nhiều hợp chất triterpen…

Tính vị và tác dụng:
o : vị chát, tính bình, tác dụng: cầm máu, trị lỵ, hạ sốt, lợi tiểu, kháng viêm.
o Quả: vị ngọt, tính bình, trị kiết lỵ, tăng hồng cầu, trị di mộng tinh.
o Rễ: ngọt, chua, chát, tính bình, chống dị ứng, lợi tiểu, cầm máu, giảm đau.

7. Cây Dương liễu: 

Tên khác: thuỷ liễu, Liễu; Salix babylonica L. họ: liễu (Salicaceae).

Bộ phận dùng: lá, hoa, quả, cành.

Tác dụng: liễu có vị đắng, tính hàn. Cành và rễ có tác dụng chống dị ứng, lợi tiểu, giảm đau. Lá, hoa, vỏ thân có tác dụng bổ, làm khô dịch tiết, hạ nhiệt, giải độc. Hạt liễu có tác dụng hạ nhiệt, cầm máu, lợi tiểu.

Ngoài ra, còn nhiều cây thuốc mang tên “dương” như: cây Dương san hô (Cây Thuốc giấu, tên khoa học Pedilanthus tithymaloides (L.) Poit. Họ Thầu dầu); Cây Dương Xuân sa (cây Sa nhân trắng, Amomum villosum Lour. Họ Gừng ); Dương địa hoàng (Digitalis purpurea L., thuộc họ Hoa mõm sói – Scrophulariaceae),…

Cuối cùng, xin giới thiệu động vật nổi tiếng được dùng làm thức ăn và thuốc:

8.  Sơn dương:

Tên khác: Dê núi, Dê rừng (Carpriconis sumatrensis Bechstein, họ: Bò: Bovidae).
Bộ phận dùng:
o Thịt: vị ngọt, tính nóng, không độc, có tác dụng bổ dưỡng, tăng cường sinh lực.
o Xương: ngọt, cay, tính ấm, có tác dụng giảm đau trong bệnh xương khớp, tăng độ chắc bền của xương.
o Sừng (Linh dương giác): vị mặn, tính lạnh, không độc, tác dụng an thần, hạ nhiệt.
o Máu: mặn, tanh, không nóng không lạnh, có tác dụng, kháng viêm, hạ nhiệt.
Tuy nhiên hiện nay, số lượng Sơn dương trong tự nhiên còn không nhiều do nạn săn bắt bừa bãi, nên Sơn dương đang trở thành đói tượng quý hiếm và đã được đưa vào Sách Đỏ quốc gia để được bảo tồn.

Thay lời kết: cho dù dược liệu mang tên “dương” hay “mùi” rất có giá trị trong y học, nhưng cũng như các loại cây – con thuốc khác, để phát huy tác dụng trị liệu cần phải thực hiện nguyên tắc: đúng thuốc, đúng liều, đúng bệnh, cũng như luôn tham khảo  ý kiến của thầy thuốc chuyên khoa để có được sức khoẻ tốt nhất đặc biệt trong năm Ất mùi 2015 .